Chi phí, nguồn nhân lực… là những vấn đề nan giải mà các trường đại học, cao đẳng ở miền Trung đang đối mặt trong quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số mang lại nhiều ưu điểm giúp các trường đại học, cao đẳng cải thiện đáng kể chất lượng giảng dạy, cho phép sinh viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, để đạt chuyển đổi số toàn diện thì vẫn còn những khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực.
Tại Trung tâm Phát triển phần mềm (SDC), Đại học Đà Nẵng, qua tìm hiểu, để chuyển đổi số thành công và toàn diện, trung tâm cần một dịch vụ (IaaS) bao gồm: Hệ thống máy chủ mạnh, hệ thống thông tin mạng lưới an toàn và nền tảng công nghệ hiện đại (PaaS). Tuy nhiên, kinh phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng này rất lớn, thậm chí được xem là vô giá.
TS Nguyễn Hà Huy Cường - Giám đốc SDC cho biết, không chỉ là hạ tầng mà đội ngũ công chức, viên chức, kỹ sư và nhân viên có thể thiếu kinh nghiệm về kiến thức và kỹ năng cần thiết về các công nghệ mới. Vì vậy, trung tâm cần tái cấu trúc quy trình nội bộ để phù hợp với nền tảng số, nhưng quá trình này có thể gây ra sự gián đoạn trong hoạt động và cần thời gian dài để hoàn thiện.
“Chuyển đổi số đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính cho hạ tầng phần cứng lẫn mềm, điều mà không phải đơn vị nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện. Ngoài ra, thiếu hụt về ngân sách dẫn đến các dự án chuyển đổi số bị đình trệ hoặc không đạt hiệu quả mong muốn”, TS Cường nói.
Còn tại Trường Cao đẳng Đại Việt Đà Nẵng, trường có 35 cán bộ quản lý, 5 giảng viên cơ hữu và 95 giảng viên thỉnh giảng. Vì thế, thách thức lớn nhất của trường là yếu tố nguồn nhân lực trong chuyển đổi số. Cùng với chi phí, cơ sở vật chất, hạ tầng thì thiết kế hệ thống bài giảng, giáo trình, tư liệu, mô hình phục vụ cho dạy học là một khối lượng rất lớn, đòi hỏi thời gian để thực hiện.
Theo TS Trần Văn Anh - quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Đà Nẵng, đối với trường tư thục, đội ngũ giảng viên còn nhiều hạn chế về số lượng. Phần lớn, các trường sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, chuyên gia là nhà quản lý, doanh nhân, nên việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng gặp không ít trở ngại.
“Công tác tuyển sinh của nhà trường còn khiêm tốn, vì vậy kinh phí hạn hẹp, dẫn đến việc chuyển đổi số không được như mong muốn. Trong khi đó, cơ sở vật chất, thiết bị đầu tư cho quá trình chuyển đổi số đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn”, TS Trần Văn Anh thông tin.
Không chỉ chính sách đầu tư, kinh phí cho chuyển đổi số vẫn hạn chế, một số trường còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) thuộc Đại học Đà Nẵng là một trong những đơn vị được đầu tư khá toàn diện về cơ sở vật chất, máy móc giảng dạy chuyên biệt.
Hiện, nhà trường có: Hệ thống điện toán đám mây, thực tế ảo, truyền thông đa phương tiện, thiết kế đồ họa, thiết kế vi mạch bán dẫn, lập trình di động, hệ thống nhúng… Tuy nhiên, theo đại diện nhà trường, chừng đó vẫn là chưa đủ để chuyển đổi số một cách toàn diện.
Lãnh đạo VKU cho rằng, nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp sẽ khó thực hiện thành công chuyển đổi số với lý do kinh phí. Nhằm thu hút đầu tư, VKU đang từng bước đưa ra các chiến lược phát triển toàn diện trên nhiều phương diện gồm: Phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng hợp tác quốc tế…
TS Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng VKU chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên và cán bộ qua các chương trình chuyên sâu về công nghệ mới. Nhà trường cũng tận dụng dự án ODA của Chính phủ Hàn Quốc để đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự.
Ngoài ra, nhà trường đang kết nối, hợp tác với 2 doanh nghiệp thành lập VKU Fintech Hub. Đây là một trung tâm tiên tiến nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông tin (VKU-SSTH) từ nguồn vốn ODA...
Đối với dự án ODA của Chính phủ Hàn Quốc, VKU đang trong quá trình thực hiện, trong đó có hợp phần xây dựng Smart Campus và hệ thống server cấu hình cao phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số của trường trong giai đoạn tới”.
Đại diện Trường Cao đẳng Đại Việt Đà Nẵng cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị, cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng chính quyền số, trường học số. Bởi nguồn nhân lực, kết nối hợp tác và hỗ trợ là chìa khóa, yếu tố quyết định sự thành công trong chuyển đổi số của tất cả ngành, lĩnh vực tại trường.
TS Nguyễn Hà Huy Cường cho rằng, để giải bài toán về chuyển đổi số, trung tâm khuyến khích tinh thần sáng tạo và thử nghiệm những mô hình mới. Đơn vị tạo các phòng thí nghiệm sáng tạo (Innovation Labs) và không gian làm việc chung (co-working spaces) để giảng viên, sinh viên và đối tác có thể cùng nhau thử nghiệm, phát triển giải pháp công nghệ.
“Chuyển đổi số là một hành trình phức tạp và đòi hỏi sự nỗ lực liên tục từ nhiều phía. Chìa khóa để giải bài toán chuyển đổi số của đơn vị là chúng tôi tập trung vào đào tạo nhân lực, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, kết nối, tư vấn các đơn vị xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phù hợp với đặc thù và mục tiêu; qua đó, từng bước chuyển đổi số bền vững”, TS Cường nhấn mạnh.
Năm 2024, Đại học Đà Nẵng ban hành Quyết định Chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đến năm 2035. Theo đó, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đổi mới cơ bản toàn diện. Trong đó có đổi mới về phương pháp, hiện đại hóa quản trị đại học, giảng dạy và nghiên cứu thông qua một công cụ thúc đẩy toàn diện là công nghệ thông tin.
Chiến lược sẽ tác động đến 3 góc độ: Cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành nội bộ của Đại học Đà Nẵng; đối tượng giảng dạy và nghiên cứu, quy mô hạ tầng kỹ thuật, phạm vi đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng lớn. Cuối cùng là phương thức quản lý, giảng dạy và nghiên cứu.
Đại học Đà Nẵng cũng xác định chuyển đổi số sẽ mang đến sự thay đổi cơ bản hầu hết lĩnh vực và tác động trực tiếp đến cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên, làm thay đổi quy trình và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu. Vì vậy, cán bộ, viên chức, giảng viên… phải tự đổi mới để đáp ứng những yêu cầu mới.