Kết nối quá khứ hào hùng…

06/06/2023, 07:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong suốt chiều dài hơn 1.000 năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, giá trị lịch sử văn hóa luôn được các thế hệ nỗ lực, gìn giữ...

Với quận Ba Đình, công tác gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được chú trọng. Cùng Báo Giáo dục & Thời đại trò chuyện với bà Phạm Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình để hiểu thêm những nỗ lực của địa phương trong lĩnh vực này thời gian qua.

- Ba Đình là địa danh gắn với lịch sử và những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Nơi đây hiện hữu rất nhiều di sản văn hóa như đình, đền, chùa, kiến trúc thành lũy và các di tích cách mạng. Những di sản văn hóa này có vai trò như thế nào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của quận Ba Đình, thưa bà?

- Quận Ba Đình là vùng đất rất giàu truyền thống văn hóa, nằm trên địa bàn trung tâm kinh thành Thăng Long xưa. Toàn quận hiện có 74 di tích (52 di tích lịch sử văn hóa và 22 di tích cách mạng kháng chiến), trong đó nổi bật là di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, hai di tích quốc gia đặc biệt trong tứ trấn Thăng Long (đền Quán Thánh, đền Voi Phục) cùng hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; nhiều làng nghề cổ như: Bánh cốm Hàng Than, làng hoa Ngọc Hà, làng đúc đồng Ngũ Xã, làng thuốc nam Đại Yên...

Người dân Ba Đình luôn tự hào về vùng đất lịch sử - văn hóa với bản sắc riêng có của vùng đất Thập Tam Trại đã tồn tại 980 năm cùng lịch sử dân tộc. Mỗi năm có 54 lễ hội truyền thống được tổ chức là những ngày hội của nhân dân trong vùng.

Xuất phát từ đặc điểm của địa bàn Ba Đình, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận xác định thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một trong 5 trọng tâm của Đảng bộ quận trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sau đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ quận đã xây dựng 7 chương trình công tác trọng tâm, 9 kế hoạch, 55 đề án, 145 chỉ tiêu nhiệm kỳ để cụ thể hóa 10 chương trình công tác của Thành ủy, trong đó để cụ thể hóa Chương trình 06 và Chương trình 08; Quận ủy đã ban hành Chương trình 09 cùng 3 kế hoạch, 12 đề án với các chỉ tiêu cụ thể, xuyên suốt cả nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hàng năm quận đều ban hành kế hoạch, nghị quyết lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu chương trình 06 của Thành ủy và Chương trình 09 của Quận ủy. Trong đó có 3 đề án tập trung vào việc khôi phục và duy trì, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống trên địa bàn.

Kết nối quá khứ hào hùng… ảnh 1

Bà Phạm Thị Diễm.

- Nhiều di sản văn hóa Thủ đô, trong đó có di sản ở quận Ba Đình đang đứng trước thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Đâu là những giải pháp cho việc này?

- Với vị thế của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, các địa danh của quận Ba Đình gắn liền với những địa danh nổi tiếng: Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, vùng đất Thập Tam Trại và người anh hùng Nguyễn Quý Công (Hoàng Phúc Trung) hay còn gọi là ông Hoàng Lệ Mật, đình Lệ Mật; đền Quán Thánh, Voi Phục là hai trong “Tứ trấn” của kinh thành Thăng Long xưa gắn kết với hai tứ trấn còn lại là đền Kim Liên, Bạch Mã…

Trải qua chiến tranh và quá trình phát triển kinh tế, nằm trong tình hình chung của cả nước, nhiều di tích, di sản văn hóa, lễ hội đã bị mai một, không còn được duy trì mà chỉ còn tồn tại trong thần tích, thần sắc, thần phả hoặc các tài liệu ghi chép được lưu giữ tại Viện Hán Nôm, Trung tâm thông tin Khoa học xã hội và trong ký ức hoài niệm của thế hệ giờ đã là cây cao bóng cả.

Thời gian qua, công tác gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quận Ba Đình hết sức quan tâm. Đặc biệt là những năm gần đây, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về di tích, danh thắng, lễ hội được đặc biệt chú trọng.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ba Đình phấn đấu khởi công tu bổ 25/25 di tích xuống cấp với tổng số tiền khoảng hơn 700 tỷ đồng.

Kết nối quá khứ hào hùng… ảnh 2

Ảnh: Đăng Chung

- Thập Tam Trại - tên gọi dân gian để chỉ vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Mới đây lễ hội kỷ niệm 980 năm Thập Tam Trại được tổ chức trang trọng như một sự kết nối quá khứ hào hùng với hiện đại. Cùng với lễ hội, lãnh đạo và nhân dân Ba Đình còn có hoạt động và dự định nào để tiếp tục lan tỏa giá trị văn hóa của vùng đất này?

- Thập Tam Trại là vùng đất do đức Thánh tổ Hoàng Phúc Trung khai hoang lập ấp vào năm 1043, tính đến nay đã có 980 năm tồn tại cùng lịch sử của dân tộc. Hiện có 18 di tích vẫn giữ mối quan hệ giao hảo tuy không cùng thờ Đức Thánh tổ.

Trong cuốn sách “Thập Tam Trại – một vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội” có ghi lại lịch sử hình thành vùng đất này. Ông Nguyễn Quý Công (Hoàng Phúc Trung, 1026 - 1119) sau khi được nhà vua ban tặng vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa đã đưa dân nghèo ở làng Lệ Mật sang đây khai khẩn. Theo sử sách ghi lại đó là ngày 23/3/1043.

Ông đã sống và làm việc tại khu vực núi Cung. Ông mất ngày 12/10 năm Kỷ Hợi (1119), thọ 93 tuổi (lăng miếu của ông hiện ở khu vực núi Cung, cách đình Vĩnh Phúc khoảng 100m). Theo sử sách, nhà vua cho xây lăng lập miếu thờ và ban mỹ tự Trung đẳng phúc thần, giao phủ Phụng Thiên, huyện Quảng Đức, trại Vĩnh Khánh nay là Vĩnh Phúc được giữ gìn hương hỏa, muôn đời cúng tế.

Hiện nay, việc cúng tế Đức Thánh vẫn được duy trì tại đình Vĩnh Phúc (phường Liễu Giai). Ông đã được các triều đại phong kiến sắc phong 17 đạo sắc, trong đó thời Trần có hai đạo sắc phong là Thái giám Linh Chương Đại Vương, thượng đẳng phúc thần. Hiện đền thờ thần bên quê Lệ Mật còn lưu giữ được 14 đạo sắc phong.

Hàng năm, vào ngày giỗ Đức Thánh tổ (12/10 âm lịch), đại diện Ban quản lý 18 di tích trong Thập Tam Trại và Ban quản lý di tích đình Lệ Mật, quê hương Đức Thánh tổ tổ chức lễ hội, dâng lễ vật lên Thánh tổ tại đình Vĩnh Phúc, nơi có lăng mộ Đức Thánh.

Ngày 23/3 âm lịch hàng năm, ghi nhớ công ơn ngày ông Tổ đưa dân làng Lệ Mật sang khai hoang, nhân dân 13 làng trại (18 di tích) “kinh quán” cùng nhau tổ chức đoàn rước kiệu về “cựu quán” để tri ân công đức của Ngài. Năm nay, nhân kỷ niệm 980 năm ngày Đức Thánh đã đưa dân làng Lệ Mật sang khai hoang lập ấp tại vùng đất Thập Tam Trại, Ban tổ chức Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật tổ chức lễ hội với quy mô lớn.

Để đáp ứng sự mong mỏi của người dân, nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “hướng về cội nguồn” đối với thế hệ trẻ trong quận; đồng thời thể hiện sự thành kính tri ân công đức to lớn của Đức Thánh, UBND quận Ba Đình lần đầu tiên tổ chức lễ kỷ niệm 980 năm ngày ông tổ Hoàng Phúc Trung - Thái giám Linh Chương Đại Vương, thượng đẳng phúc thần đưa dân sang khai hoang lập ấp với quy mô cấp quận, trọng tâm là phần nghi lễ.

Chương trình đã được xây dựng công phu nhằm kết nối lịch sử và hiện tại, hướng tới tương lai gồm các nội dung thể hiện sự trang nghiêm, trọng thể với Đức Thánh qua các nghi lễ đại tế, dâng hương, tri ân công đức qua màn sử thi tái hiện quá trình khó khăn, vất vả đưa dân vượt sông sang khai khoang, dạy dân nghề nông nghiệp mưu sinh.

Sự phát triển trù phú của vùng đất Thập Tam Trại thể hiện, tái hiện qua 14 đoàn rước Kiệu đại diện cho 14 làng trại thuộc Thập Tam Trại với những nét văn hóa đặc trưng cho mỗi làng trại như làng hoa Ngọc Hà, thuốc Nam Đại Yên, làng rau Vạn Phúc, Hào Nam…

Kết nối quá khứ hào hùng… ảnh 3

Xác máy bay B52 rơi trong hồ Hữu Tiệp năm 1972. Ảnh: ITN

Lễ hội đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, sự tham dự của hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương; tạo được không khí phấn khởi trong nhân dân, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa; đồng thời giáo dục truyền thống tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với các thế hệ đi trước.

Bên cạnh đó, lễ hội còn góp phần nâng cao về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt công tác giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá, truyền thống. Dự kiến lễ hội sẽ được duy trì hàng năm, các năm chẵn sẽ được tổ chức với quy mô rộng, góp phần lan tỏa đến nhân dân toàn quận, trở thành ngày hội của nhân dân Thập Tam Trại xưa và quận Ba Đình nay.

Di tích đình Vĩnh Phúc nơi thờ đức Thánh và các di tích trên địa bàn sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tu bổ tôn tạo xứng tầm với vị thế đức Thánh, qua đó giáo dục truyền thống trong nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ gìn giữ, trao truyền.

- Để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, việc kết nối di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đang được nhiều quận, huyện triển khai. Đối với quận Ba Đình nhiệm vụ đó được thực hiện ra sao?

- Quận Ba Đình ưu tiên bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, chú trọng di tích quốc gia đặc biệt (đền Quán Thánh, đền Voi Phục). Đồng thời, phối hợp đơn vị chức năng xây dựng kết nối các di tích Thăng Long Tứ trấn đền Kim Liên, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Voi Phục để tạo thành tuyến, tour du lịch tâm linh của Thủ đô Hà Nội.

Quận sẽ tập trung vào các giải pháp như: Gắn di sản văn hóa với hoạt động học tập tại trường học. Thông qua việc đổi mới hình thức giảng dạy lịch sử địa phương trong chương trình chính khóa; chú trọng giới thiệu 2 di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục, giới thiệu về văn hóa vùng Thập Tam Trại gắn với Đức Thánh tổ Hoàng Phúc Trung và sự phát triển lớn mạnh của Thập Tam Trại.

Bên cạnh đó, quận sẽ tổ chức các cuộc thi theo hình thức sân khấu hóa để học sinh dễ nhớ; đào tạo giáo viên các trường trực thuộc quận nắm chắc kiến thức lịch sử quận Ba Đình; xây dựng khung chương trình giảng dạy lý thuyết kết hợp tham quan học tập thực tế cho học sinh các cấp về cụm di tích lịch sử Thăng Long Tứ trấn…

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

* Ông Lê Đức Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình: Bồi đắp giá trị truyền thống tốt đẹp cho học sinh

Kết nối quá khứ hào hùng… ảnh 4

Ngày 31/7/2020, Quận ủy quận Ba Đình ban hành Quyết định số 128-QĐ/QU về việc kiện toàn Hội đồng thẩm định “Tập tài liệu giảng dạy lịch sử truyền thống, cách mạng quận Ba Đình”. Cuốn tài liệu đã được NXB Thông tin và Truyền thông phát hành cuối tháng 11/2020. Cuốn sách này đã trở thành tài liệu chính thống trong tất cả các nhà trường thuộc địa bàn quận.

Từ những tiết học về lịch sử địa phương, các trường lồng ghép dạy học thông qua di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng tiêu biểu góp phần giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các giá trị văn hóa – kiến trúc, các nhân vật lịch sử, lễ hội, làng nghề nổi tiếng đã và đang tồn tại trên mảnh đất Ba Đình.

Với học sinh Ba Đình, Thập Tam Trại là địa chỉ để trải nghiệm, học tập lịch sử địa phương và đất nước. Lễ hội Thập Tam Trại không chỉ mang tính địa phương nhằm tôn vinh tưởng niệm ghi nhớ công ơn người đã có công với dân mà còn là nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh.

Đây cũng là dịp ôn lại trang sử dựng làng trại đầy gian nan, thử thách, góp phần giao lưu thúc đẩy mối liên hệ cộng đồng của 13 làng trại, tình gắn bó quê hương, mảnh đất nơi sinh ra những con người siêng năng và tạo cho họ bản lĩnh can trường mang đậm truyền thống mảnh đất ngàn năm văn hiến.

* Cô Lê Hoàn Châu – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình): Gắn di sản văn hóa với hoạt động học tập tại trường học

Kết nối quá khứ hào hùng… ảnh 5

Ở Trường THCS Nguyễn Trãi, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương luôn được Ban giám hiệu, các thầy cô giáo quan tâm nhằm góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, khơi dậy niềm tự hào quê hương trong thế hệ trẻ.

Năm học 2022 - 2023, là đơn vị tiên phong triển khai Dự án xây dựng trường học hạnh phúc tại quận Ba Đình (giai đoạn 2022 - 2025), Trường THCS Nguyễn Trãi chú trọng bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất và cảm xúc tích cực: Lòng tự hào truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn…

Các thầy cô giáo đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nhà trường. Cụ thể: Tổ chức dạy lồng ghép tích hợp giáo dục lịch sử quận Ba Đình trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần, trong các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm; tổ chức tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, mời các cựu chiến binh, các nhà sử học của Hà Nội về nói chuyện với học sinh, hưởng ứng cuộc thi làm phim “Dấu ấn Ba Đình”.

* Bùi Thu Hà - lớp 9A5 Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình): Bài học lịch sử thêm hấp dẫn và bổ ích

Kết nối quá khứ hào hùng… ảnh 6

Những bài học về lịch sử văn hóa địa phương rất sinh động, thú vị. Thầy cô đã mang đến cho chúng em nhiều thông tin bổ ích về lịch sử văn hóa truyền thống của quê hương Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Qua đó, chúng em thêm yêu quê hương, đất nước, có ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp để rèn luyện tốt và không ngừng vươn lên trong học tập.

Mỗi khi kể về các di tích lịch sử trên mảnh đất Ba Đình với người thân hay bạn bè ở quê xa về Hà Nội, bản thân mỗi học sinh lại càng thấy tự hào và cảm thấy trách nhiệm của thế hệ trẻ cần hiểu biết sâu sắc và lan toả những giá trị văn hoá lịch sử của Ba Đình.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết nối quá khứ hào hùng…