Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên kỳ vọng, phương án dự kiến sáp nhập tỉnh, thành theo hướng kết nối rừng - biển nếu thành hiện thực sẽ giúp các địa phương này tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, rộng đường để nông sản vươn ra biển lớn. Khi các tuyến cao tốc được đầu tư, vận hành sẽ thúc đẩy giao thương mạnh mẽ giữa các vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông
Nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, Kon Tum là cửa ngõ kết nối quan trọng với các nước Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, Kon Tum còn là điểm kết nối trung chuyển trên trục Đông - Tây, núi - biển đến các cảng biển khu vực duyên hải Trung bộ thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại Kon Tum đang còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc kết nối các tỉnh miền Trung. Theo anh Bùi Ngọc Quang Huy (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) các tuyến Quốc lộ 24 (QL24), QL14 nhỏ hẹp, quanh co, độ dốc lớn nên rất khó khăn trong việc phát triển, lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực. Trong các dịp Tết, lượng người từ các tỉnh miền Trung lên Kon Tum du lịch quá đông, có nhiều thời điểm giao thông trên QL24 bị tắc nghẽn.
Ông Lê Đức Hải, quản lý của một đơn vị vận tải xe tại TP Kon Tum, cho rằng, hiện tại tuyến Kon Tum - Quảng Ngãi chỉ cho phép xe ghế ngồi, xe 16 chỗ lưu thông. Lý do bởi đoạn đường qua huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) có khoảng 24km xe khách giường nằm không thể di chuyển được. Điều này gây ảnh hưởng lớn cho việc khai thác, mở rộng các tuyến mới và tiếp cận thêm nhiều khách hàng ngoài tỉnh.
“Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum khi được đầu tư, vận hành sẽ tạo cú hích phát triển mạnh mẽ cho ngành dịch vụ vận tải. Hành khách chỉ mất khoảng hơn một giờ để di chuyển từ biển lên núi, giảm một nửa thời gian so với việc di chuyển như hiện tại. Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành mà còn tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch, thu hút thêm nhiều tệp khách du lịch từ các tỉnh thành khác tại Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo đại diện một số doanh nghiệp, việc quy hoạch xây dựng cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ tạo cơ hội cho Măng Đen thành trung tâm du lịch sinh thái lớn của Tây Nguyên, giúp Kon Tum và Quảng Ngãi trở thành điểm sáng kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Anh Võ Lâm Vũ, chủ một doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tại huyện Kon Plông (Kon Tum) chia sẻ, công ty hiện đang nhận tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như rau, hoa, quả xứ lạnh cho khoảng 40 hộ trên địa bàn. Mỗi tháng, doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 12-13 tấn nông sản, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên vì đường sá khó khăn, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp đang 5 triệu đồng/tấn. Vì vậy, việc mở ra các tuyến đường cao tốc mới giúp cho doanh nghiệp giảm hơn 50% chi phí vận chuyển và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chia sẻ về những lợi ích của tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon tum mang lại, ông Phạm Văn Thắng - Phó chủ tịch huyện Kon Plông nhận định, rào cản lớn nhất của Măng Đen nói riêng và huyện Kon Plông hiện nay chính là hệ thống giao thông còn nhiều khó khăn, bất cập. Việc hình thành tuyến cao tốc sẽ thúc đẩy Măng Đen phát triển toàn diện về kinh tế và đặc biệt là lợi thế du lịch tiềm năng vốn có.
“Xu hướng du lịch hiện nay chính là kết hợp giữa biển - núi và những tour du lịch ngắn ngày. Việc giảm tối đa thời gian di chuyển giữa Măng Đen và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ giúp thu hút một lượng lớn khách du lịch trong các dịp cuối tuần, lễ Tết. Đồng thời, điều này còn giúp những sản phẩm đặc trưng như rau, hoa xứ lạnh của Măng Đen có điều kiện tiếp cận với nhiều tỉnh thành khác khi chi phí vận chuyển được giảm tải. Nhìn chung, tuyến cao tốc chính là động lực để giúp Măng Đen đẩy nhanh tốc độ phát triển trên mọi mặt”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Trương Lê Mãnh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Kon Tum nhận định, phần lớn các doanh nghiệp tại Kon Tum chủ yếu cung cấp, chế biến các mặt hàng nông sản như cà phê, cao su, dược liệu, mắc ca,... Vì vậy, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay chính là chi phí logistics và vận tải tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn nhân công chủ yếu là người địa phương, trình độ chuyên môn thấp và chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Điều này khiến cho địa phương dù có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng các doanh nghiệp lớn, tập đoàn vẫn còn hạn chế. Việc kết nối Quảng Ngãi - Kon Tum giúp cho doanh nghiệp địa phương có thêm nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, tiết kiệm chi phí sản xuất các mặt hàng nông sản và đặc biệt tiếp cận thêm nhiều nguồn nhân công chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, địa phương là một trong những tỉnh khó khăn nhất trong khu vực Tây Nguyên. Một trong những nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông còn kém phát triển, các tuyến đường chính như QL14, QL24 đã xuống cấp, quy mô nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. Việc xây dựng cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn, giúp việc thông thương giữa Kon Tum đến với các cảng miền Trung trở nên thuận tiện. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy giao thương với các huyện phía nam của Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Ngoài động lực to lớn về kinh tế, tuyến cao tốc còn tạo ra sợi dây kết nối vững chắc về du lịch, thúc đẩy khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc tế.
Có cao tốc ra biển, Tây Nguyên sẽ phát triển nhanh
Vừa qua, Ban Quản lý dự án 2 đã trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) – Pleiku (Gia Lai), dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2029. Cao tốc này có tổng chiều dài khoảng 123km, tổng mức đầu tư khoảng 38.917 tỷ đồng, được đề xuất sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2024, vốn ngân sách Bình Định và Gia Lai, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô liên kết vùng, phát huy lợi thế của vùng sản xuất và chế biến các sản phẩm nông - lâm nghiệp với khu vực kinh tế biển cung cấp các dịch vụ logistics và vận tải biển. Khi có tuyến cao tốc này, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk sẽ kết nối với cảng biển Quy Nhơn thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ: Có cao tốc, Gia Lai sẽ gần như có biển. Với tốc độ thiết kế hiện nay chỉ cần khoảng 1 giờ 30 phút có thể đi từ TP Pleiku xuống Quy Nhơn và ngược lại. Nhờ vậy sự kết hợp du lịch biển-núi thành tour du lịch thu hút khách. Đặc biệt, việc vận chuyển hàng hoá sẽ thuận lợi hơn nhiều vì khoảng cách được rút ngắn, chi phí logistics sẽ giảm xuống, giúp cho hàng hoá, nông sản của Gia Lai, cũng như mặt hàng chế biến sâu sẽ được hạ giá thành, cạnh tranh với thị trường. Hơn hết, cao tốc sẽ mở ra một hướng phát triển thuận lợi, mạnh mẽ, giúp cho kinh tế Gia Lai nói riêng, vùng Bắc Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia và Nam Lào nói chung được thuận lợi.
TIỀN LÊ
Một kết nối chiến lược
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho biết, khi còn trong hội đồng thẩm định quy hoạch Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung rồi đến khi làm cố vấn trưởng Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, ông luôn nhấn mạnh việc liên kết phát triển giữa duyên hải Nam Trung bộ và vùng Tây Nguyên.
KTS Nam Sơn cho rằng, khu vực duyên hải miền Trung có đặc điểm chiều ngang hẹp, nhiều đồi núi nên thiếu quỹ đất để phát triển, thành ra các địa phương chủ yếu phát triển theo hướng Bắc - Nam. Do đó, việc kết nối với tỉnh Tây Nguyên sẽ giải quyết được bài toán này.
Ngược lại, hạn chế lớn nhất đối với các tỉnh Tây Nguyên là về hạ tầng giao thông do điều kiện tự nhiên nhiều đồi núi. Do đó, thay vì vận chuyển hàng hóa về TPHCM hay ra phía Bắc sẽ rất xa và tốn kém, làm tăng chi phí của doanh nghiệp thì việc vận chuyển hàng hóa theo hướng Đông - Tây xuống các cảng biển duyên hải miền Trung sẽ rất gần và thuận tiện. “Tôi cho rằng đây là một kết nối chiến lược, các tỉnh có thể bổ trợ cho nhau về mặt kinh tế - xã hội rất tốt. Ví dụ như khi có cao tốc thì việc di chuyển giữa Nha Trang - Đà Lạt hay Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ được rút ngắn. Điều này sẽ thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa nông sản và du lịch giữa các địa phương” - KTS Nam Sơn nhấn mạnh.
Nếu sáp nhập các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh vùng biển thì cần chuẩn bị những gì? KTS Ngô Viết Nam Sơn đưa ra 3 giải pháp: Đầu tiên, các tỉnh nên tập trung vào xây dựng hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là phát triển các tuyến cao tốc. Thứ hai, mỗi địa phương cần một hạ tầng để kết nối đa phương tiện. “Ví dụ khi đường cao tốc xuống tới Khánh Hòa thì ngay tại đây phải kết nối vào cao tốc Bắc - Nam, kết nối vào các cảng biển và hệ thống sân bay của Khánh Hòa, tức là tạo thành chuỗi liên kết thông suốt” - KTS Nam Sơn nói.
Cuối cùng, theo ông, việc sáp nhập các tỉnh Tây Nguyên với tỉnh vùng biển sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Do đó, sắp tới các tỉnh cần chuẩn bị xây dựng những kế hoạch phát triển cụ thể, đặc biệt là về lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu và du lịch.