Dành cả thanh xuân cho giáo dục vùng khó, cô Hoàng Thị Thanh Bình – Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) chưa bao giờ hối hận với lựa chọn của mình. Hơn 30 năm miệt mài “gieo chữ” nơi rẻo cao, cô Bình nếm đủ khó khăn vất vả và cung bậc cảm xúc của giáo viên cắm bản. Ngày ấy, nơi cô dạy học là một trong những bản nghèo nhất, cách trung tâm huyện Đồng Văn gần 20 km đường đèo. Nơi đây hội tụ đủ “3 không”: Không đường, không điện, không nước sinh hoạt.
“Nắng ráo thì không sao, khổ nhất ngày mưa gió, giáo viên chỉ có cách cuốc bộ đến điểm trường” – cô Bình trải lòng và tự nhủ, đã là giáo viên “cắm bản” phải chấp nhận khó khăn, thiếu thốn, vất vả, thậm chí xa gia đình, người thân. Nhiều giáo viên cắm bản không lấy được chồng, hoặc khó lấy chồng. Đó là thực tế, nhưng không thể vì thế mà lùi bước, bỏ nghề.
“Không phải ôn nghèo, kể khổ nhưng đó là chuyện đời, chuyện nghề mà tôi muốn chia sẻ đến Chương trình ‘Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục’ để có thể thấu cảm, sẻ chia công việc ‘trao tri thức’ của giáo viên vùng khó. Khi chúng tôi nguyện là giáo viên ‘cắm bản’, đồng nghĩa tạm quên nỗi niềm riêng, dành hết yêu thương cho học trò vùng khó” – cô Bình trải lòng.
Cung đường đến trường một thời của cô giáo Hoàng Thị Thanh Bình. Ảnh: NVCC |
Tại Móng Cái (Quảng Ninh), giáo viên cũng náo nức, mong ngóng từng giờ diễn ra sự kiện. Cô Nguyễn Thị Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Bắc Sơn - cho hay, công tác tổ chức, các điều kiện cho sự kiện đã hoàn tất. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi được trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các đơn vị chức năng của Bộ. Ai nấy đều háo hức, mong muốn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến Bộ trưởng…” – cô Ngọc bộc bạch.
Hoan nghênh cách làm mới của Bộ GD&ĐT, cô Ngọc không giấu nổi niềm vui, sự cảm kích trước tinh thần cầu thị của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Với cô, lắng nghe là để thấu hiểu và sẻ chia; từ đó có những quyết sách đúng và thiết thực với đội ngũ nhà giáo. Nếu được, cô Ngọc và các giáo viên mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên miền núi, biên giới, hải đảo. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để thu hút và giữ chân giáo viên vùng khó.
Cô Ngọc cho biết: Trường Tiểu học & THCS Bắc Sơn nằm trên địa bàn xã miền núi, biên giới. Toàn trường hơn 200 học sinh thì trên 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. “Từ ngày xã được công nhận nông thôn mới, giáo viên và học sinh bị cắt các chế độ đối với vùng biên giới mặc dù đời sống kinh tế, xã hội nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hy vọng, những tâm tư, trăn trở của chúng tôi sẽ được các cơ quan chức năng ghi nhận và sẻ chia để thầy cô có thêm động lực bám trường, lớp, giữ gìn biên cương Tổ quốc” – cô Ngọc bày tỏ.
Cô trò Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ảnh: NVCC |
Hơn 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đếm ngược thời gian để được trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ cùng đại diện cơ quan hữu quan. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Gấm cho hay, nhà trường đã thông báo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên về sự kiện này. Ai cũng mong muốn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ những khó khăn, trăn trở thường nhật.
Cô Gấm kỳ vọng, tại buổi “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục” sẽ giải tỏa những băn khoăn, khúc mắc về thu nhập của giáo viên mầm non. Bởi theo cô Gấm, thu nhập của giáo viên mầm non đang ở mức thấp, chưa tương xứng với sự cống hiến. Thời gian làm việc của đội ngũ cũng không tính theo 8 tiếng/ngày. Chẳng hạn, nếu trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, các cô phải có mặt ở trường từ 4 giờ 30 phút sáng để làm công tác chuẩn bị; về đến nhà cũng đã 7 - 8 giờ tối.
“Thế nhưng, mỗi lần ký vào bảng lương, tôi không khỏi xót xa khi thấy giáo viên mới ra trường chưa được 3 triệu/tháng. Như tôi, hơn 30 năm công tác nhưng lương chưa tới 10 triệu/tháng” – cô Gấm chia sẻ và cho biết, nhà trường mong muốn Bộ GD&ĐT có ý kiến cùng bộ, ngành chức năng về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non. Theo cô Gấm, đội ngũ này nên nghỉ hưu khi tròn 55 tuổi (với nữ) và 60 tuổi (với nam).
Không đề đạt nguyện vọng cho mình, nhưng giáo viên huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) lại mong có thêm nhiều chính sách cho học trò. Thầy Lê Quang Trọng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền - cho hay, trước đây học sinh trên đảo được cộng 1,5 điểm ưu tiên trong xét tuyển tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sau đó, giảm còn 0,5 điểm. Tuy nhiên, từ năm 2023, học sinh trên đảo Phú Quý không còn được thụ hưởng chính sách ưu tiên này.
“Thiết nghĩ, chính sách ưu tiên cộng điểm cần tiếp tục duy trì nhằm động viên, khuyến khích con em huyện đảo đến trường, từng bước rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng biên giới, hải đảo với vùng đồng bằng” – thầy Trọng bày tỏ.
Nêu thực trạng về cơ cấu đội ngũ giáo viên ở Trường THPT Ngô Quyền, thầy Trọng cho biết, nhà trường đang rơi vào tình huống thừa giáo viên khối khoa học tự nhiên nhưng lại thiếu giáo viên khoa học xã hội. Nguyên nhân, theo Chương trình GDPT 2018, đa số học sinh lựa chọn các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, dẫn đến thiếu giáo viên các bộ môn thuộc lĩnh vực này.
Hiện, trường có 6 giáo viên khối khoa học xã hội trong khi cần đến 12 thầy, cô mới có thể đảm bảo việc dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trong khi ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhà trường chỉ cần 5 – 6 giáo viên là đủ nhưng hiện tại trường có 12 người trong biên chế. “Thực tế này khiến nhà trường gặp không ít khó khăn trong bố trí, sắp xếp nhân sự đứng lớp” – thầy Trọng chia sẻ.
Cũng theo thầy Trọng do chưa có giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp nên Trường THPT Ngô Quyền phải bố trí một số thầy, cô giáo đảm nhiệm nhưng kết quả chưa được như mong muốn bởi không được đào tạo bài bản. “Mong rằng, sau sự kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, chúng tôi sẽ được tư vấn, hỗ trợ để giải bài toán về đội ngũ của nhà trường” – thầy Trọng bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục được tổ chức theo hình thức trực tuyến để tất cả nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì sự kiện. Tham gia sự kiện có lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các phòng GD&ĐT địa phương.