Lĩnh vực Đọc hiểu, Toán học và Khoa học là những nội dung trọng tâm của chương trình giáo dục dành cho học sinh ở độ tuổi 15.
Rèn luyện được những kỹ năng cần thiết
Đánh giá kết quả đạt được trong các lĩnh vực trên là cơ sở để các cơ quan chức năng của Việt Nam ban hành các chính sách về giáo dục và đổi mới giáo dục nhằm đào tạo thế hệ mới có đủ năng lực vận dụng được những kiến thức trong chương trình giáo dục để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Đồng thời các chỉ số của kết quả đánh giá trên cũng là cơ sở để điều chỉnh chương trình giáo dục cho phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập thế giới; đó cũng là cơ sở để Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT chỉ đạo đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và đánh giá kết quả giáo dục.
Kết quả đánh giá PISA cũng cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục, Bộ GD&ĐT biết được vị trí của nền giáo dục Việt Nam như thế nào trên trên bản đồ giáo dục thế giới, để từ đó xây dựng chiến lược phát triển giáo dục Việt phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vừa hội nhập quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước theo Nghị quyết của Trung ương Đảng là đến năm 2045 đưa Việt Nam vào top các quốc gia phát triển trên thế giới.
Để đạt được điều này, các giải pháp cần xây dựng trên nhiều phương diện, dưới đây là một số đề xuất cụ thể:
Đối với lĩnh vực Đọc hiểu, cần cung cấp cho học sinh nhiều dạng bài đọc khác nhau như văn bản khoa học, văn học, văn bản pháp lý, báo chí và các tài liệu trực tuyến; làm quen với các thể thức văn bản được sử dụng theo thông lệ quốc tế;
Đối với Toán học và Khoa học, thay vì chỉ học lý thuyết cần khuyến khích học sinh giải quyết các vấn đề trong đời sống thông qua việc áp dụng kiến thức.
Ví dụ, thay vì chỉ giải các bài toán lý thuyết, học sinh sẽ được yêu cầu tính toán chi phí xây dựng một ngôi nhà, phân tích dữ liệu từ các cuộc khảo sát xã hội hoặc thực hiện các thí nghiệm khoa học để giải thích các hiện tượng thiên nhiên.
Điều này giúp học sinh không chỉ lĩnh hội được những kiến thức của môn học mà còn rèn luyện được những kỹ năng cần thiết và vận dụng được những kiến thức kỹ năng của môn học vào giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Qua đó cũng giúp học sinh phát triển khả năng phân tích, suy luận và đánh giá thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học
Ngày nay, với sự bùng nổ thông tin và công nghệ AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và trong học tập. Vì vậy các kiến thức trong các môn học không còn mang tính đơn ngành mà luôn có sự kết hợp đa ngành không chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên mà còn có sự kết hợp cả trong lĩnh vực xã hội.
Vì vậy dạy học theo hướng tích hợp liên môn và xuyên môn ngày càng có ý nghĩa quan trọng.
Muốn học sinh vận dụng được các kiến thức theo chương trình học vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thì việc dạy học tích hợp sẽ là chìa khoá để giải quyết vấn đề trên.
Để đạt được kết quả cao trong các đánh giá quốc tế như PISA, việc tích hợp các môn học là cần thiết. Thay vì dạy các môn học một cách rời rạc, chúng ta nên tạo ra những tình huống học tập liên ngành, nơi mà Toán học, Khoa học, Đọc hiểu và các kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề được kết nối chặt chẽ với nhau.
Ví dụ, một bài toán thực tế về biến đổi khí hậu có thể yêu cầu học sinh không chỉ áp dụng kiến thức toán học để tính toán mà cần phân tích dữ liệu khoa học, đọc hiểu các báo cáo nghiên cứu và đưa ra các giải pháp sáng tạo.
Qua đó, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phát triển được tư duy hệ thống và khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống.
Trang bị cho học sinh kiến thức toàn cầu
Để trang bị cho học sinh một nền tảng kiến thức toàn cầu, cần đưa vào chương trình học các nội dung mang tính quốc tế. Các bài học nên bao gồm việc đọc và phân tích tài liệu từ các nguồn quốc tế để mở rộng tầm nhìn và kỹ năng tiếp cận thông tin toàn cầu, đồng thời giúp học sinh nắm bắt được xu hướng và kiến thức từ các quốc gia. Ví dụ, trong môn Khoa học, học sinh nên được học về các phát minh, nghiên cứu đột phá hoặc các vấn đề khoa học mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, và các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chính thức được triển khai từ năm học 2020-2021 ở cấp tiểu học và 2024-2025 ở cấp THPT, với quan điểm phát triển phẩm chất năng lực người học và chương trình đã được xây dựng theo hướng tích hợp.
Vì vậy việc đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ở các trường Đại học sư phạm (Khoa Sư phạm) theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học và dạy học tích hợp phải được thực hiện đồng bộ nhằm đào tạo được đội ngũ giáo viên mới đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như yêu cầu của đổi mới giáo dục.
Ngoài ra chương trình đào tạo giáo viên cần chú trọng đến việc hình thành cho đội ngũ giáo viên năng lực hướng dẫn học sinh vận dụng những kiến thức môn học vào giải quyết vấn đề trong cuộc sống; Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) trong thiết kế và thực hiện quá trình dạy học.
Trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang công tác, cần chú trọng đến việc phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
PISA đã đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với chất lượng giáo dục, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn biết vận dụng kiến thức vào thực tế. Để đáp ứng yêu cầu này, giáo viên cần mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ việc truyền thụ kiến thức một chiều sang việc tạo ra các hoạt động học tập tích cực, khuyến khích học sinh tự khám phá và tìm tòi.
Việc kết hợp kiến thức lý thuyết với các tình huống thực tế, cùng với việc cập nhật liên tục những thông tin mới nhất về khoa học và công nghệ sẽ giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về thế giới và trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để thành công trong tương lai.
Học hỏi các mô hình giáo dục quốc tế
Để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới như Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc và Canada.
Việc nghiên cứu và áp dụng các phương pháp giảng dạy đổi mới, chương trình học linh hoạt và đa dạng, cũng như các hình thức đánh giá hiện đại của các nước này sẽ giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách và đạt được thành tích cao hơn trong các cuộc thi quốc tế như PISA.