Mỗi thầy cô phụ trách một (hoặc một số) chủ đề phù hợp với năng lực, năng khiếu, trình độ chuyên môn và chuyên ngành đào tạo. Như vậy, việc giảng dạy sẽ hiệu quả, thiết thực hơn và giảm áp lực cho giáo viên.
“Thực hiện giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương cần linh hoạt, sáng tạo, chủ động. Cần sự vào cuộc tích cực của Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn, nghiên cứu kỹ nội dung các chủ đề.
Từ đó tư vấn, định hướng, khuyến khích giáo viên sáng tạo đa dạng các hình thức, phương pháp giảng dạy cuốn hút học sinh; tạo điều kiện cho thầy cô giảng dạy bằng các hình thức trải nghiệm thực tế tại địa phương…”, cô Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Góc độ người trực tiếp giảng dạy, cô Dương Thị Hồng Minh nhấn mạnh giáo viên cần có kiến thức hiểu biết về lịch sử địa phương, sưu tầm thêm nhiều tài liệu khác có liên quan đến bài học. Nhà trường có kinh phí để tổ chức dạy học môn học này ở một số chủ đề nhất định.
Cùng với đó, cần sự vào cuộc của các bên có liên quan như Nhà trường, Ban phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm. Học sinh tích cực tìm hiểu về chủ đề các bài trước khi vào bài học trên lớp. Đặc biệt, cần sớm có sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương để cả thầy và trò dạy học thuận lợi hơn.
Liên quan đến nội dung này, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên Huế đề nghị, cần cung cấp tài liệu cho giáo viên, học sinh từ đầu năm học như các môn học khác.
Bên cạnh sách giáo khoa, cần có nhiều bộ sách và nguồn tài liệu tham khảo khác phục vụ cho giảng dạy và học tập. Đồng thời, cần triển khai tập huấn nhiều, đồng bộ và sớm cho tất cả giáo viên tham gia giảng dạy.
Trong Chương trình GDPT 2028, đối với cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm.
Đối với cấp THCS, THPT, nội dung giáo dục giáo dục địa phương của tỉnh được thiết kế dưới hình thức lĩnh vực và chủ đề của lĩnh vực với tổng thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học.