Nhiều địa phương thiếu giáo viên Tiếng Anh ở cấp tiểu học. Ảnh: TG |
- Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành khác như thế nào để đáp ứng đủ biên chế giáo viên và cải thiện chính sách tiền lương, nhằm giữ chân đội ngũ nhà giáo?
- Thời gian qua, Bộ GD&ĐT tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan trong việc rà soát, đề xuất bổ sung biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục. Trên cơ sở đề xuất, Bộ Chính trị đồng ý bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non vào năm 2020. Mới đây, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022 - 2023, giao bổ sung trên 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Đây là kết quả tốt trong công tác phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục, nhằm cải thiện chính sách tiền lương, tạo niềm tin để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
- Về lâu dài, cần có giải pháp “dài hơi” ở các địa phương để tránh tình trạng “ăn đong” vì thiếu giáo viên?
- Để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên, theo tôi cần đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và giữa các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của đơn vị, địa phương trong việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên vừa thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng vừa bảo đảm phương châm: Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên; bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của tất cả trẻ em và học sinh.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo như: Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo. Thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ. Có cơ chế, chính sách để khuyến khích cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đồng thời, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập, giảm số người hưởng lương và giảm chi từ ngân sách Nhà nước nhưng không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh nghèo, đối tượng chính sách.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát về số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả cấp học, môn học. Xác định cụ thể số lượng giáo viên còn thiếu để có giải pháp bổ sung biên chế phù hợp. Tập trung ưu tiên bổ sung biên chế cho giáo dục vùng khó khăn, nơi dân số tăng, các khu công nghiệp… Mặt khác, rà soát, sắp xếp, chuyển những trường phổ thông có quy mô nhỏ thành trường có nhiều cấp học. Thực hiện tuyển dụng số biên chế đã được giao theo quy định hiện hành.
- Xin cảm ơn ông!
“Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, mở các ngành đào tạo phù hợp với môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường đào tạo văn bằng hai, đào tạo liên thông hoặc bồi dưỡng chuyển đổi môn học để bổ sung giáo viên cho những môn học còn thiếu, đặc thù. Đặc biệt, thực hiện tốt Nghị định 116/2020/NĐ-CP nhằm bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên theo cơ cấu môn học và theo nhu cầu của địa phương” – ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh.