“Ngoài ra, chúng tôi còn được tham gia vào cộng đồng học tập do các nhóm/lớp kết nối trên Zalo. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc, sẽ được các báo cáo viên trao đổi, hỗ trợ để cùng tháo gỡ” – cô Hà chia sẻ và cho biết, cô và giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non của huyện Đại Từ đã có kế hoạch để tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên mầm non đại trà của địa phương.
Trước mắt, cô Hà sẽ hỗ trợ đồng nghiệp qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức theo các cụm trường hoặc theo từng đơn vị. Tuy nhiên, theo cô Hà, cách thiết thực nhất là đồng nghiệp tự hỗ trợ lẫn nhau theo phương châm “Học thầy, không tày học bạn”. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Phương pháp này có thể áp dụng theo từng cơ sở giáo dục mầm non.
Lan tỏa tinh thần tự học, tự bồi dưỡng và gắn kết yêu thương đến với mọi người. |
Đồng quan điểm, cô Lục Mai Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạp Thanh (Ba Chẽ, Quảng Ninh) – phân tích, mỗi cơ sở giáo dục mầm non đều có giáo viên cốt cán.
“Những giáo viên này sẽ được chúng tôi truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm đã lĩnh hội được từ Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán.
Sau đó, họ sẽ trở “chân rết” để hỗ trợ đồng nghiệp ngay tại đơn vị mình. Dần dần sẽ lan tỏa đến mọi giáo viên trong trường. Trên tinh thần đó, giáo viên có thể bồi dưỡng thường xuyên, liên tục và tự học mọi lúc, mọi nơi.
Cô Phương tâm niệm, khi nào mỗi cán bộ quản lý, giáo viên mầm non nhận thấy: tập huấn, bồi dưỡng là cần thiết, là nhu cầu tự thân thì các tài liệu mới phát huy hiệu quả và các lớp bồi dưỡng mới thực sự có giá trị vào thực tiễn.