Khai hạ - lễ hội lớn nhất của người Mường

24/02/2024, 16:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lễ hội Khai hạ của người Mường (Hòa Bình) được Bộ VH-TT&DL công bố quyết định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022.

Lễ hội người dân xuống đồng cấy lúa, cầu cho một mùa màng tươi tốt, lúa vàng bội thu, năm mưa thuận, gió hòa.
Lễ hội người dân xuống đồng cấy lúa, cầu cho một mùa màng tươi tốt, lúa vàng bội thu, năm mưa thuận, gió hòa.

Nhiều hoạt động được tổ chức trong Lễ hội Khai hạ như: Đi cà kheo, hát đang Mường, trình diễn trang phục Mường.
Nhiều hoạt động được tổ chức trong Lễ hội Khai hạ như: Đi cà kheo, hát đang Mường, trình diễn trang phục Mường.

Sức sống mãnh liệt...

Ở Mường Thàng, huyện Cao Phong theo lời kể của các cụ cao niên, miếu Cả ở xã Dũng Phong thờ tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Theo sự tích vùng Ba Vì - Sơn Tây, sông Tích Giang, các vùng Mường cổ ở Hòa Bình đều thờ Thánh Tản Viên (người Mường Hòa Bình gọi là Thánh Đản).

Các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam đều phong mỹ tự gọi là “Thượng Đẳng Phúc Thần”. Cũng như đồng bào Mường ở các vùng khác, bà con người Mường ở Mường Thàng thờ vọng Thánh Đản tại ngôi miếu của mình.

Người Mường Động (huyện Kim Bôi) kể rằng, từ thời xa xưa có 3 anh em nhà vua đi dẹp loạn, hành quân qua đây, thấy khu vực này có địa thế đẹp, xung quanh bốn bên quan sát tốt nên đã dừng chân tại núi Khụ Động.

Tại đây, người em út bị chó ngao cắn vào chân nên không thể tiếp tục hành quân được nữa. Do vậy, người em út phải ở lại, được người dân vùng mường này nuôi ăn.

Sau khi khỏe mạnh, cảm động trước tình cảm của dân mường, ông quyết định ở lại và dạy bà con nơi đây cách đào mương bai, làm ruộng, cấy lúa nước. Sau khi ông mất, dân làng lập miếu thờ ông. Hàng năm tổ chức lễ cúng để tạ ơn ông dạy dân vùng mường cách đào mương, trồng lúa. Trong miếu cũng thờ vọng hai người anh của ông.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản. Lễ hội là dịp để người dân hội tụ, cùng nhau vui chơi với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thể hiện tình đoàn kết dân tộc, cố kết cộng đồng trường tồn.

Các nghệ nhân hòa tấu Chiêng Mường trong Lễ hội Khai hạ.
Các nghệ nhân hòa tấu Chiêng Mường trong Lễ hội Khai hạ.
Các nghệ nhân thực hiện phần nghi lễ trong Lễ hội Khai hạ ở huyện Tân Lạc.
Các nghệ nhân thực hiện phần nghi lễ trong Lễ hội Khai hạ ở huyện Tân Lạc.

Không những thế, Lễ hội Khai hạ còn có sức sống mãnh liệt trong đời sống của người dân, cộng đồng dân cư. Mọi người tham gia với ý thức trách nhiệm cao, tự nguyện và thành kính với các nghi trình, nghi thức trong phần lễ, nhiệt huyết tham gia các trò chơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong không gian của lễ hội.

Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử và sự đổi thay của đời sống kinh tế - xã hội, đến nay Lễ hội Khai hạ vẫn được người Mường tổ chức thường niên. Các nghi thức về phần lễ, phần hội tuy có nhiều biến đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, nhưng về cơ bản vẫn giữ được các yếu tố truyền thống.

Phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính. Phần hội với các trò chơi phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc như: Hát đang, bộ mẹng, hát đối đáp, trình diễn Chiêng Mường. Cùng với đó, là tổ chức các trò chơi dân gian gồm: Ném còn, đánh mảng, thi đan lát, dệt thổ cẩm, trình diễn một số nghề thủ công… thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường.

Để gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc dân tộc, những năm qua vào mỗi dịp Xuân về, Lễ hội Khai hạ được các cấp chính quyền địa phương tổ chức thường niên góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Qua đó, tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; quảng bá sản phẩm du lịch Hòa Bình đến với du khách trong nước, quốc tế. Từ đó, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự mỗi mùa lễ hội.

Với ý nghĩa và giá trị sâu sắc đó, năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đầu năm 2023, lễ hội này được tổ chức quy mô cấp tỉnh tại Mường Bi (Tân Lạc).

Thời gian tới Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tổ chức Lễ hội Khai hạ. Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn trong công tác chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn toàn bộ hoạt động của lễ hội. Hòa Bình cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, quảng bá và tôn vinh Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường với cộng đồng các dân tộc anh em trong tỉnh nói riêng và các dân tộc trên cả nước nói chung. Đồng thời, có chính sách tôn vinh những nghệ nhân, những người có công sưu tầm, lưu giữ tri thức và truyền dạy tri thức dân gian về Lễ hội Khai hạ. Từ đó để bảo tồn, giữ gìn và phát triển lễ hội truyền thống đặc sắc này. Ông Nguyễn Văn Toàn

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khai-ha-le-hoi-lon-nhat-cua-nguoi-muong-post672713.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khai-ha-le-hoi-lon-nhat-cua-nguoi-muong-post672713.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai hạ - lễ hội lớn nhất của người Mường