Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, một trong những quan điểm của việc lập quy hoạch huyện Cam Lâm là góp phần phát triển đột phá kinh tế địa phương này trong tổng thể liên kết và gắn bó chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Cam Lâm sẽ trở thành đô thị mũi nhọn, cùng với Nha Trang và Cam Ranh tạo thành một tổng thể hòa hợp giữa giá trị truyền thống nội tại và tương lai, vươn tầm ra thế giới, góp phần định hình một đô thị đẳng cấp và thu hút trên bản đồ thế giới.
Theo dự báo quy hoạch phát triển, quy mô dân số đến năm 2030 của đô thị Cam Lâm khoảng 320.000 người, đến năm 2045 khoảng 770.000 người. Về quy mô đất xây dựng, đến năm 2030 cần khoảng 13.000 - 15.000 ha, đến năm 2045 cần khoảng 19.000 - 20.000 ha.
Huyện Cam Lâm nằm phía Nam tỉnh Khánh Hòa, phía Đông của huyện giáp biển Đông và huyện đảo Trường Sa, với bờ biển dài 13 km, phía Bắc giáp thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh, phía Nam giáp thành phố Cam Ranh, phía Tây giáp các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Dân số của Cam Lâm qua điều tra vào năm 2019 là gần 109 nghìn người.
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2030 tỉnh Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm, của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo….
Theo đó, cùng với Cam Lâm là đô thị sân bay, thành phố Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics; huyện Vạn Ninh là đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháp đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cả nước…