Khảo sát 3 giống rau chịu mặn từ rừng ngập mặn Cần Giờ

31/12/2023, 16:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc tìm kiếm và đưa vào canh tác ba loại rau chịu mặn ngay tại tại rừng ngập mặn trước mắt sẽ giải quyết bài toán cấp thiết về rau xanh tại Cần Giờ.

Các nhà khoa học đã sưu tầm, chọn trồng thử các giống rau lấy tại rừng ngập mặn Cần Giờ, trên đất nhiễm mặn để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị.

Cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Là huyện ven biển, nằm về phía Đông Nam TPHCM, Cần Giờ là địa phương thiếu rau xanh. Nhiều thập kỷ nay, khi giao thông chưa phát triển, dân số chưa cao, người dân chủ yếu sử dụng rau rừng và một số ít loại rau tự trồng xung quanh nhà.

Bên cạnh đó, người dân Cần Giờ vẫn sử dụng rau xanh được cung cấp từ nội thành TPHCM, nhưng số lượng có hạn. Bài toán đặt ra là làm sao để thuần hóa các giống cây trồng chịu mặn, tạo nguồn rau xanh ổn định tại chỗ.

Các nhà khoa học ở Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chi nhánh phía Nam đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu chọn và trồng thử nghiệm một số loại rau có khả năng chịu mặn tại Cần Giờ, TPHCM”. Mục đích của nhóm là sưu tầm, chọn trồng thử cây có khả năng làm rau hiện đang sống trong rừng ngập mặn Cần Giờ (chứng tỏ được tính chịu mặn) trên đất nhiễm mặn tại địa phương.

Theo TS Vũ Mạnh (chủ nhiệm nhiệm vụ), vựa rau tiềm năng có khả năng chịu mặn ở Cần Giờ chính là rừng ngập mặn Cần Giờ với diện tích khoảng 35.000 ha. Nhóm thực hiện đã tìm kiếm và xác định được có 44 loại thực vật có thể làm rau, trong đó bao gồm 8 loại cây thân gỗ, 5 loại cây thân bụi, 21 loại cây thân thảo và 10 loại cây thân bò leo.

Tuy nhiên, qua khảo sát từ người dân địa phương thì tần suất thu hái đối với các loại thực vật này là khác nhau, khoảng cách dao động rất lớn từ 10 - 100%. Trong đó, Lìm kìm và rau Bui là hai loại được người dân thu hái nhiều nhất với tỷ lệ 86 - 90%.

Kế đến là các loại rau Ngót, rau Diễn, rau Bình bát dây, với tỷ lệ 64 - 74%. Ba loại rau khác là Điên điển, So đũa và Bồn bồn có tỷ lệ người lấy ít hơn, nhưng cũng ở mức 54 - 60%. Đáng chú ý, Bình bát dây chỉ được thu hoạch vào mùa khô và Bồn bồn chỉ có trong mùa mưa, còn các rau khác có thể thu hái quanh năm.

Dựa vào một số tiêu chí (được nhiều người dân tìm thu hái về dùng; tỷ lệ bắt gặp trên các tuyến khảo sát lớn; khả năng thích hợp với đất, nước nhiễm mặn của Cần Giờ; loại đã bắt đầu có tiếng là đặc sản của Cần Giờ được du khách ưa chuộng; có khả năng dễ trồng, dễ nhân giống), nhóm thực hiện đã chọn nghiên cứu, phát triển 5 loại cây gồm: Lìm kìm, Bui, Diễn, Ngót, Bình bát dây làm cây trồng dài hạn cung cấp nguồn rau tại chỗ cho vùng Cần Giờ.

Nhóm nghiên cứu đã lấy đất nhiễm mặn tại xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) để canh tác trồng rau. Đất được trộn với phân bón, chia thành luống. Khu vực canh tác có mái che và lắp đặt hệ thống tưới phun sương nhằm đảm bảo điều kiện cường độ ánh sáng xuống luống tương tự với cường độ ánh sáng chiếu xuống rau trong rừng.

Rau giàu dinh dưỡng, sinh trưởng tốt

TS Vũ Mạnh cho biết, kết quả phân tích hàm lượng dinh dưỡng và dư lượng kim loại nặng của 5 loại cây rau (đề cập phía trên) cho thấy tất cả đều có hàm lượng Protein khá cao, từ 1,84 đến 2,97%, riêng rau Ngót đạt đến 5,24%.

Các chất khoáng như K, Mg và Ca của 5 loại rau cũng ở mức khá, trong đó rau Ngót giàu K nhất với 9,395 mg/kg, thấp nhất như Bình bát dây cũng đạt 3,893 mg/kg. Rau Ngót cũng là loại giàu Ca nhất, ở mức 5,470 mg/kg so với 4 loại khác chỉ khoảng từ 1,559 - 6,603 mg/kg. Tất cả 5 loại rau rừng đều không phát hiện kim loại nặng.

“Điều này chứng tỏ tất cả giống rau được chọn đều sinh trưởng nhanh và chất lượng tốt. Tuy vậy, do đặc tính sinh học - sinh thái khác nhau, nên sinh trưởng của 5 giống rau này là khác nhau, và có sự biến động khá lớn giữa các cá thể trong cùng loại.

Vì thế, căn cứ vào hàm lượng dinh dưỡng và khả năng sinh trưởng, nhóm thực hiện đề xuất chọn 3 loại rau là Lìm kìm, Diễn và Bui để xác định khả năng chịu mặn, kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng và thu hoạch”, TS Vũ Mạnh cho biết.

Kết quả thực nghiệm tiếp theo cho thấy, cả 3 loại rau sống được ở môi trường đất có hàm lượng muối hòa tan dưới 7‰. Thời gian thu hoạch rau vào khoảng 2 tháng sau khi trồng.

Xét trên từng m2, nhận giá trị cao ở rau Diễn (0,550 kg/m2), kế đến là rau Lìm kìm (0,450 kg/m2), thấp nhất là rau Bui (0,299 kg/m2). Sản lượng của ba loại rau này biến động rất nhỏ, chứng tỏ sự phân bố đồng đều trên mặt đất. Kết quả thu hoạch quy mô 1.000m2, thì sản lượng thu hoạch từ rau Bui, rau Diễn và rau Lìm kìm tương ứng đạt 300, 550 và 299 (kg/1000 m2).

Việc tìm kiếm và đưa vào canh tác ba loại rau chịu mặn từ rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ là giải pháp chống chịu với nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu trong tương lai, mà trước mắt sẽ giải quyết bài toán cấp thiết về rau xanh tại Cần Giờ, đưa vào cơ cấu rau của TPHCM.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khảo sát 3 giống rau chịu mặn từ rừng ngập mặn Cần Giờ