Dù trời tối và mưa, nhưng rạp Kim Mã (Hà Nội) vẫn gần như kín chỗ khi mở cửa đón khách tới sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'.
Điều thú vị là, sự kiện chỉ do nhóm sinh viên tổ chức từ mong muốn được góp sức đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với người trẻ.
Thực ra, “Phi hề bất thành chèo” là bài tập kết thúc môn của học phần “Thực hành lập dự án sự kiện” của Mercury, nhóm sinh viên đến từ Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
“Sau một hồi đi tìm, tương tác với nhiều loại hình nghệ thuật, hình thức sân khấu khác nhau nhưng cuối cùng cái hay, cái đẹp nhất vẫn nằm trong chèo, trong nghệ thuật truyền thống. Đó là những bài thơ của mẹ, những câu thơ của cha, là triết lý nhân sinh hình thành con người, nhân cách bao thế hệ. Việc yêu và lan tỏa nghệ thuật chèo cũng là tiếng nói gìn giữ hồn cốt cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống”. NSND Lê Tuấn Cường, Quyền Gám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam
Vậy nhưng, không chỉ dừng ở mục tiêu hoàn thành bài tập theo cách thông thường, mà sự kiện này còn được các sinh viên dồn sức, dốc lực thực hiện mới đây để rồi chính họ cũng bất ngờ khi sự kiện thành công ngoài mong đợi và lưu lại những ấn tượng khó quên, đồng thời cổ vũ, gợi mở bao điều thú vị cho khán giả trẻ bắt đầu “để mắt” đến chèo.
Đó là, ngay khi bước vào rạp hát, mỗi khán giả được Mercury tặng quà rất… chèo – chiếc quạt giấy rồi dẫn bước vào không gian triển lãm từ hình ảnh đến tranh vẽ đầy sinh động và đều dẫn mở đến chủ đề của sự kiện – hề chèo. Tình nguyện viên nhiệt tình dẫn khách, giới thiệu về các nhân vật hề chèo áo ngắn, áo dài, hề gậy… qua các bức ảnh cũng như góc nhìn khác biệt của họa sĩ Nguyễn Ly Phương Ngọc khi dùng cọ khắc họa những nhân vật tiêu biểu của nghệ thuật chèo.
Và lúc tiếng trống chèo vẫy gọi thì khán giả được phen ồ à, cười sảng khoái với hề dẹp đám, hề áo ngắn, hề áo dài khi thưởng thức trích đoạn “Mẹ đốp – Lý trưởng” trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”.
Rồi những trò chuyện, chia sẻ xoay quanh câu chuyện hề chèo của các nghệ sĩ, chuyên gia cũng sôi nổi, luôn ăm ắp những niềm vui trong sự đón nhận hào hứng của khán giả.
Rạp Kim Mã được phen rộn tiếng cười trong khoảng thời gian mọi người trải nghiệm, tương tác với hề chèo. Khi đó, thật ngỡ ngàng với món quà rất chèo được ban tổ chức yêu cầu mở ra để khán giả cùng nói theo câu thoại của hề áo ngắn (mẹ Đốp) và hề áo dài (lý trưởng) in trên quạt giấy, tất nhiên có sự giải thích cặn kẽ và làm mẫu rất nhiệt tình của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam (NSƯT Vũ Thủy và nghệ sĩ tài năng trẻ Xuân Trường).
Nhất là, màn rap hề chèo của hai rapper Danh Ca Thường và JUSTAKID cùng sự phối hợp hóm hỉnh mà có phần “láu cá” của nghệ sĩ Văn Phương - người nổi danh với các vai hề chèo - thật sự cuốn hút, ấn tượng, đem đến những gợi mở về việc phát huy nghệ thuật truyền thống này như thế nào trong đời sống đương đại.
“Nếu chèo được biểu diễn thú vị như thế này thì làm sao phải lo vắng khách nhỉ?”, ngay khi màn nhung khép lại, một khán giả Hà Nội phấn khích bày tỏ khi lần đầu tiên cô được tiếp cận với nghệ thuật chèo.
Còn bạn Vũ Thị Vân Anh, sinh viên Học viện Ngoại giao Hà Nội thì bày tỏ niềm vinh dự khi nhận được tấm vé mời tham gia sự kiện. “Em đến từ miền Nam Trung Bộ - nơi nổi tiếng với cồng chiêng Tây Nguyên và bài chòi Bình Định. Khi đặt chân đến Hà Nội, em được biết đến nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và nay vinh dự xem hát chèo.
Em bất ngờ khi sao một chương trình chất lượng như thế mà chỉ có giá vé 100 nghìn đồng. Đó là, bên cạnh các tiết mục được biểu diễn hay tham quan triển lãm, khán giả còn được cùng tìm hiểu về nghệ thuật chèo nói chung và nhân vật hề chèo nói riêng từ các nghệ sĩ, chuyên gia.
Em muốn dành lời cảm ơn cho các bạn sinh viên, Nhà hát Chèo Việt Nam đã cho em tham gia một buổi nghệ thuật đặc sắc để lại nhiều cảm xúc của lần đầu tiên như vậy. Với chương trình sau của nhà hát và bất cứ chương trình nào về loại hình nghệ thuật dân gian ở Hà Nội, nếu sắp xếp được thời gian, em sẽ tham gia”, Vân Anh bày tỏ.
NSND Lê Tuấn Cường - Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đánh giá cao sự kiện này vì có sức lan tỏa mạnh mẽ đến khán giả trẻ, điều này vô cùng quý giá đối với sự phát triển của chèo.
“Chúng tôi sẵn sàng trao đổi, tâm sự, mang các giá trị cốt lõi của nghệ thuật chèo truyền thống đến với các bạn để giới thiệu với khán giả trong nước và quốc tế. Chèo đến gần được khán giả hay không, yếu tố tương tác, kết nối vô cùng quan trọng.
Tôi đánh giá rất cao, rất trân trọng sự năng động và yêu mến nghệ thuật dân tộc các bạn trẻ là sinh viên của các trường đại học, nhất là nhóm Mercury. Chúng tôi mong rằng, nếu tất cả học sinh THCS và THPT của Hà Nội mà được xem chèo thì nhà hát sẽ đỏ đèn nhiều năm liên tục”, NSND Lê Tuấn Cường nhấn mạnh.
Tình nguyện viên giới thiệu về hề chèo qua ảnh triển lãm trước sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: Bình Thanh |
Để tạo được dấu ấn ấy cho “Phi hề bất thành chèo”, các bạn trẻ Mercury đã nỗ lực “xông vào” và bước tới thế giới của nghệ thuật chèo. Việc này được bắt đầu từ việc khám phá cho chính bản thân vì không hẳn ai cũng có được những kiến thức chuyên sâu về loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Theo Thu Hằng, các thành viên trong ban tổ chức đã phải tìm hiểu rất nhiều tài liệu trên Internet, sách báo; tìm đến các chuyên gia về chèo để từ đó chắt lọc kiến thức, tìm ra góc độ khai thác vừa dễ dàng, vừa gần gũi, thú vị dành cho những bạn trẻ mới bắt đầu tìm hiểu về chèo - đó là tiếng mời gọi của hề chèo.
Cùng với đó, nhóm còn tự làm khó mình khi xác định mục tiêu: Cần có sự mới mẻ, thoát khỏi lối mòn cũ trong các sự kiện về văn hóa và nghệ thuật truyền thống khác, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm dành cho khán giả, trong đó có việc tiếp xúc câu hát, vũ điệu của các nhân vật hề chèo.
Về phần kinh phí thực hiện, Quỳnh Trang tiết lộ: Do các thành viên trong ban tổ chức đều là sinh viên nên việc gặp khó khăn về kinh phí tổ chức là không thể tránh khỏi. Để dự án được thực hiện, các thành viên đã phải chủ động góp một phần tài chính nhỏ để hỗ trợ cho những khoản chi ban đầu.
“Điều may mắn là, sự kiện nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các nhà tài trợ như: Công ty CP xây dựng và phát triển Du lịch cộng đồng Việt Nam, Đa La Xước Phục với những bộ ngũ phục duyên dáng, J Group Media với những bức ảnh, video ghi lại dấu ấn trong sự kiện; Trung tâm TNHH Truyền thông và Quảng cáo Tuấn Việt.
Cùng với đó, sự kiện diễn ra trọn vẹn nhờ một phần công sức to lớn của đơn vị bảo trợ chuyên môn - Nhà hát Chèo Việt Nam và đơn vị đồng hành - Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH). Các cô chú, anh chị nghệ sĩ tại Nhà hát Chèo Việt Nam đã hỗ trợ Mercury nhiệt tình bằng những màn trình diễn hay, thậm chí độc đáo, mới lạ”, Quỳnh Trang nói.
Dù sự kiện đã khép lại nhưng vẫn còn lưu trong các thành viên Mercury bao kỷ niệm khó quên và là nguồn năng lượng thúc đẩy họ tiếp tục nghĩ về chặng đường tương lai.
Khán giả được trải nghiệm với vai hề chèo cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam trong sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: Bình Thanh |
Khán giả hào hứng với sự kiện 'Phi hề bất thành chèo' đến phút cuối. Ảnh: Bình Thanh |
Với Thu Hằng, “Phi hề bất thành chèo” đã trở thành một phần của tuổi trẻ, sẵn sàng làm những gì mình nghĩ. “Suốt hành trình thực hiện dự án, có những áp lực, những khó khăn, những khoảnh khắc bị hiện thực phũ phàng vùi dập nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục với kế hoạch”, Thu Hằng cho biết.
Còn Mai Hương thì nhìn lại cả hành trình cảm xúc và gói gọn bằng các chữ: Vui vẻ - Tự hào - Nghẹn ngào. Là một trong số những thành viên trong ban nội dung, nên lần đầu tiên Hương được trải nghiệm cảm giác của người tham gia xuyên suốt vào quá trình xây dựng lên sự kiện - từ một ý tưởng rất đơn giản về nghệ thuật truyền thống chèo đến chi tiết tới từng bức tranh triển lãm, từng ánh đèn sân khấu...
“Mùa Hè năm 2024 của tôi mở đầu với nhiều kỷ niệm cùng Mercury và “Phi hề bất thành chèo”. Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên được những buổi họp online thâu đêm suốt sáng, những kịch bản phải sửa đi sửa lại cả chục lần, những lần tranh luận “ầm ĩ” cùng bao mệt mỏi ngủ vùi đến mức báo thức cũng chẳng gọi dậy được...”, Mai Hương chia sẻ.
Quỳnh Trang thì không quên được những lúc họp nhóm để bàn cho ra ý tưởng, bàn bạc về cách làm việc... Nhất là những lúc phải họp đột xuất, họp lúc tối muộn để chỉnh lại các phần còn thiếu sót trong kịch bản, tìm những bức tranh để trưng bày... Công việc nghe thì đơn giản song khiến ban nội dung tốn đến hàng giờ đồng hồ, thậm chí có lúc còn ngồi tới khi trời sáng chỉ vì phần việc còn dang dở.
“Chương trình trước hết là một trải nghiệm mới mẻ đối với tôi, đặc biệt với một loại hình nghệ thuật khó hiểu kèm với tuổi đời dài như vậy, trong khi đó giới trẻ hiện nay rất ít tiếp xúc và có cảm hứng với chèo. Tuy vậy, thông qua chương trình được mang đến cách tiếp cận dễ hiểu trong không gian chèo truyền thống cùng những chia sẻ chi tiết và gần gũi của những người làm nghệ thuật gạo cội đã giúp tôi trau dồi kiến thức quý giá, phần nào hiểu, và cảm thấy tự hào hơn về nền nghệ thuật của đất nước mình”, Quỳnh Trang cho biết.
“Thực hiện thành công dự án là sự cố gắng của cả nhóm và sự hỗ trợ từ các đơn vị bảo trợ, tài trợ, đồng hành, các cá nhân và toàn thể khán giả tham gia. Tuy nhiên, qua sự kiện, ban tổ chức cũng nhận thấy còn nhiều điều nhóm cần trau dồi và học hỏi để có thể tiếp tục sáng tạo dựa trên các giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống để góp phần giữ gìn, lan tỏa giá trị của những loại hình này. Vì vậy, nhóm sẽ có những sự trao đổi, nhận sự tư vấn từ cố vấn học tập cũng như các đơn vị chuyên môn để xác định kế hoạch duy trì hoạt động cũng như việc tiếp tục xây dựng dự án sự kiện mới về văn hóa - nghệ thuật trong thời gian tới”. Bạn Huyền Trinh, thành viên nhóm Mercury