Khi nhà tài trợ giáo dục mất dần niềm tin!

30/10/2023, 14:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ giáo dục phổ thông Việt Nam chỉ ra những bất cập, hạn chế trong triển khai hoạt động tài trợ cho giáo dục.

Cũng theo ông Đặng Tự Ân, tình trạng này tồn tại năm này qua năm khác khiến phụ huynh, nhà tài trợ mất dần niềm tin…

“Hạt sạn” cần nhặt

- Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông đâu là bất cập, hạn chế của hoạt động tài trợ cho giáo dục thời gian qua?

- Những năm gần đây, các khoản thu, chi thực hiện tự nguyện trong trường, gọi chung là nhận và sử dụng tài trợ có dấu hiệu phức tạp, gây bức xúc. Theo tôi, cả 4 công đoạn là vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ đều có vấn đề.

Đầu tiên là vi phạm nguyên tắc tài trợ ở một số trường. Nguyên tắc tài trợ là tự nguyện, nhưng trên thực tế là tự nguyện trong “bắt buộc”. Nhiều trường không niêm yết công khai mục đích thu, mức chi mà chỉ thống nhất trong nội bộ Ban đại diện cha mẹ học sinh và lấy lý do đã hỏi cha mẹ học sinh. Do đó không ít phụ huynh đồng ý, ký vào biên bản miễn cưỡng. Đôi khi, việc thông qua định mức tài trợ được chuẩn bị để một số phụ huynh có điều kiện kinh tế phát biểu trước, đăng ký tài trợ, thường ở mức cao.

Các khoản đóng góp thường thu bình quân; thậm chí quy định mức đóng góp đồng loạt, tối thiểu cho mỗi hoạt động tài trợ. Dù đã có quy định cụ thể về thu chi trong trường học, nhưng nhiều trường tự đưa ra các loại thu khác như: Ghế ngồi, loa đài, tivi hay chi cho trải nghiệm, dã ngoại, học liên kết. Có khoản đóng góp không phục vụ cho dạy học, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp và quyên góp thu tiền mừng thầy cô nhân ngày lễ, tết.

Một bất cập nữa là có trường giải ngân tiền tài trợ không rõ ràng; chưa quy định rõ, hoặc thiếu tường minh trong quá trình mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất. Khi có thắc mắc về việc này, hiệu trường không xử lý dứt điểm, hoặc giải trình thiếu thấu đáo, dẫn đến mất đoàn kết, gây bức xúc, tạo ra điều tiếng không nên có.

Ông Đặng Tự Ân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Đặng Tự Ân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có dấu hiệu vụ lợi ở một số nơi

- Nguyên nhân của những bất cập là gì, cả từ phía người tài trợ và đơn vị tiếp nhận, theo ông?

- Thứ nhất, không thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn hoạt động tài trợ của Trung ương, địa phương. Tổ tiếp nhận tài trợ, trong đó hiệu trưởng làm tổ trưởng, chưa thực hiện đúng chức trách, nguyên tắc tài trợ. Thực hiện không nghiêm đi liền với triển khai hoạt động tùy tiện, cá nhân, tự phát.

Thứ hai, Ban đại diện cha mẹ học sinh làm việc không chuyên nghiệp, chưa phối hợp toàn diện và tương tác thường xuyên với nhà trường; đặc biệt hoạt động tài trợ còn độc lập, tách rời sự lãnh đạo của hiệu trưởng.

Chưa có kế hoạch triển khai hoạt động tài trợ và được ký kết giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, nên khi triển khai mang tính nể nang, né tránh. Chúng ta coi quan hệ nhà trường, phụ huynh là đặc biệt, vừa ràng buộc ơn nghĩa, vừa gắn bó tình cảm. Điều này cản trở cách phối hợp làm việc có tính sòng phẳng.

Thứ ba, thiếu sự trung thực, liêm minh, có dấu hiệu vụ lợi ở một số địa phương, nhà trường. Chỉ có thể luật hóa và thực thi nghiêm luật mới mang lại tính nghiêm minh của hoạt động tài trợ. Xử lý nhẹ không đủ sức răn đe.

Bổ sung, điều chỉnh để có quy định phù hợp

- Vậy từ khía cạnh chính sách, ông nhận thấy có gì cần sửa đổi, bổ sung để hoạt động tài trợ giáo dục thực sự đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch?

- Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục được ban hành từ năm 2018. Tôi nhận thấy, phạm vi điều chỉnh của văn bản chưa bao quát, trong khi thực tiễn diễn ra quá phức tạp. Đặc biệt, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhu cầu xã hội hóa giáo dục càng cấp thiết. Tôi cho rằng, Thông tư 16 cần được rà soát và bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tiễn. Lấy ý kiến góp ý rộng rãi, cả phụ huynh học sinh, không chỉ trong ngành Giáo dục.

Cần làm rõ, nếu thay đổi tổ chức thực hiện thì trọng tâm vào vấn đề gì? Cho phép cơ sở giáo dục, địa phương bổ sung vào quy định những nội dung tài trợ, cách làm minh bạch mang tính đặc thù ở địa phương, như: Nội dung, cách tổ chức, đặc biệt quy trình giải ngân nguồn tài trợ. Có thể thưởng, tuyên dương cá nhân có thành tích trong hoạt động tài trợ.

Cùng đó, chế tài xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm trong Thông tư 16 chưa cụ thể, còn hành chính hóa nên khi áp dụng kỷ luật nhẹ tay. Ngành Giáo dục, tập trung ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra thực hiện, công bố tiêu chuẩn phù hợp và trong đánh giá hoạt động của nhà trường. Tuyệt nhiên không nhìn, không nghe báo cáo hoạt động mang tính hình thức, bề nổi ở địa phương. Xử lý mạnh tay, kể cả truy tố trước pháp luật cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng hoạt động tài trợ. Những nội dung này cần ghi rõ trong Thông tư.

Có thể bỏ cụm từ “khuyến khích” tại Điểm 5 và 6 của Điều 2. Hạn chế tài trợ bằng tiền tại Điều 4.

Cần làm rõ dấu hiệu, chế tài lạm thu, quy trách nhiệm cho hiệu trưởng. Người đứng đầu nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện các hoạt động liên quan tới tài trợ trong trường. Làm đúng theo Thông tư, cũng như đề xuất hoạt động phù hợp với từng trường, thời điểm trong vận động tài trợ. Thông tư cũng cần ghi rõ vai trò hiệu trưởng đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh là tổ chức trong nhà trường, bảo đảm sự kết nối giữa nhà trường và toàn thể cha mẹ học sinh. Lựa chọn trưởng ban cần uy tín, trách nhiệm, công tâm, phối hợp hiệu quả hoạt động với hiệu trưởng; là người mang tiếng nói, phản ánh trung thực cho cha mẹ học sinh. Hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cần quy định cụ thể hơn nữa nhằm đảm bảo tính minh bạch, tự nguyện và dân chủ trong quá trình hoạt động liên quan tới tài trợ.

Địa phương có vị trí quan trọng trong vận động cha mẹ học sinh, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tài trợ cho giáo dục; tham gia giám sát các hoạt động tài trợ hằng năm.

Trọng tâm là vấn đề quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi xảy ra điều tiếng tiêu cực, lạm thu, tham nhũng. Có chế tài cụ thể xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ.

Tách riêng khoản thu bắt buộc và tự nguyện. Học ngoại khóa sẽ tổ chức dưới dạng câu lạc bộ. Nhà trường hoặc cấp trên duyệt nội dung về chuyên môn, đánh giá người dạy, thời gian và hiệu quả. Nhà trường tổ chức họp thỏa thuận mức thu giữa câu lạc bộ và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

- Xin cảm ơn ông!

Trường có thể tổ chức quỹ riêng, gọi là quỹ hỗ trợ giáo dục. Nhân sự là số đông đại diện cha mẹ học sinh, số ít là giáo viên và người đại diện cộng đồng có tín nhiệm. Đầu năm cha mẹ học sinh được thảo luận công khai mục đích góp quỹ, mức thu từ 0 đồng tới con số cụ thể cho phụ huynh lựa chọn theo nhu cầu. Quỹ có tài khoản riêng và giải ngân theo Luật Ngân sách. - Ông Đặng Tự Ân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nhà tài trợ giáo dục mất dần niềm tin!