Giáo dục liêm chính

Khi tiền gửi 'bốc hơi': Vì sao ngân hàng không muốn làm nạn nhân?

08/07/2024 10:08

Những vụ tiền gửi 'bốc hơi' thì về đạo lý lẫn pháp lý, cần xác định ngân hàng là bị hại; người chiếm đoạt phải bồi thường cho ngân hàng, còn ngân hàng sẽ phải bồi thường lại cho khách hàng bị mất tiền.

Với những vụ “bốc hơi” tiền trong tài khoản người gửi/khách hàng, thông thường ngân hàng không muốn làm nạn nhân/bị hại. Bởi khi đó, khách hàng sẽ “nắm kẻ có tóc” (là ngân hàng), còn ngân hàng thì rơi vào thế “nắm kẻ trọc đầu” (đối tượng chiếm đoạt tiền của khách hàng).

ngan-hang.jpg
Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định ngân hàng phải tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, đảm bảo thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngày 3-4-2024, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng ngân hàng hay cá nhân nếu sai phạm đều phải có trách nhiệm với khoản tiền gửi của khách hàng.

Trước đó, có nhiều vụ “bốc hơi” tiền trong tài khoản của người gửi mà lỗi không do họ, nhiều ngân hàng đã từ chối tư cách nạn nhân/bị hại (trong vụ án hình sự). Có ngân hàng còn gửi văn bản đề nghị tòa án không thụ lý đơn kiện đòi tài sản của khách hàng mà chờ vụ án hình sự. Bằng cách này, ngân hàng muốn “né” tư cách nạn nhân/bị hại, để cho rằng khách hàng là nạn nhân/bị hại, còn mình chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong vụ án hình sự).

Điều này khiến nhiều người băn khoăn. Bởi theo luật, nếu coi khách hàng là nạn nhân/bị hại thì đối tượng chiếm đoạt tiền phải bồi thường cho người gửi. Khi đó, quá trình bồi thường sẽ diễn ra chậm chạp, bởi có thể đối tượng chiếm đoạt đã không còn tài sản hoặc còn nhưng không đủ để bồi thường. Nói theo dân gian, lúc này khách hàng giống như “nắm kẻ trọc đầu”.

Còn nếu coi ngân hàng là nạn nhân/bị hại thì bên mất tiền là ngân hàng. Khi đó, ngân hàng phải trả tiền cho người gửi, còn đối tượng chiếm đoạt sẽ bồi thường cho ngân hàng. Chính điều này khiến ngân hàng không muốn và luôn tìm cách tránh né, từ chối mình là bị hại.

Người đang chiếm giữ, quản lý hợp pháp tài sản, mà bị chiếm đoạt tài sản đó, phải được coi là nạn nhân. Một chủ bãi giữ xe nhận trông xe cho khách, mà xe đó bị nhân viên của bãi trộm thì chủ bãi giữ xe là nạn nhân/bị hại, chủ bãi giữ xe vẫn phải bồi thường cho khách, còn kẻ trộm xe phải bồi thường cho chủ bãi. Nếu không thì còn ai dám gửi?!

Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định ngân hàng phải tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi. Điều này tiếp tục được khẳng định tại khoản 2 Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7).

Như vậy, khi tiền gửi 'bốc hơi' không do lỗi của khách hàng, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp cán bộ hoặc nhân viên của ngân hàng chiếm đoạt tiền gửi của khách có thể do ngân hàng đã quản lý, giám sát không tốt. Về đạo lý lẫn pháp lý, cần xác định ngân hàng là bị hại. Khi đó người chiếm đoạt sẽ phải bồi thường cho ngân hàng, còn ngân hàng sẽ phải bồi thường lại cho khách hàng bị mất tiền.

Ngoài ra, Điều 5 Thông tư 23/2014 của Ngân hàng Nhà nước (sau này là Điều 6 Văn bản hợp nhất 15/VBHN-NHNN ngày 28/12/2020) thì chủ tài khoản chỉ chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.

Xác định mình là nạn nhân/bị hại, có thể khiến ngân hàng thiệt hại nhất thời về kinh tế; có thể bị đánh giá về năng lực quản lý. Nhưng đó cũng là cơ hội để ngân hàng nhìn nhận và rà soát, vá lấp các lỗ hổng để hoạt động hiệu quả hơn. Và bù lại, sự tin cậy, chữ “tín” của ngân hàng sẽ được củng cố trong mắt khách hàng.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/khi-tien-gui-boc-hoi-vi-sao-ngan-hang-khong-muon-lam-nan-nhan-c51a1583736.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/khi-tien-gui-boc-hoi-vi-sao-ngan-hang-khong-muon-lam-nan-nhan-c51a1583736.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi tiền gửi 'bốc hơi': Vì sao ngân hàng không muốn làm nạn nhân?