Khi nội dung được chia sẻ, dân mạng Trung Quốc bắt đầu tranh luận về hiện tượng này trên các nền tảng mạng xã hội.
Qian Jing, giáo sư tâm lý học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói với The Paper rằng đây có thể là một việc làm có ý nghĩa để những người trẻ đang tách biệt với xã hội có cơ hội hòa nhập hơn, đồng thời giảm bớt áp lực.
"Thật tốt khi biết rằng kiến thức bạn học được từ một khóa học nhất định có thể giúp người khác giải thích những vấn đề thực tế và có nhiều người sẵn sàng trả tiền để nhận được điều đó", giáo sư Qian nói.
Li Bingqian (thạc sĩ, 25 tuổi) đã thử bán dạo kiến thức ở phía Nam thành phố Thâm Quyến vào tháng 1. "Mặt hàng" được cô bày bán là dịch vụ viết thư pháp theo yêu cầu.
Li chia sẻ với Sixth Tone rằng cô thích sự linh hoạt của công việc này và tin rằng nó phù hợp với những người trẻ tuổi muốn độc lập tài chính thông qua các công việc bán thời gian.
Sau khi kiếm được 2.400 nhân dân tệ (tương đương 336 USD) trong 7 ngày, cô gái trẻ bắt đầu lên kế hoạch sẽ tiếp tục bán dạo kiến thức trong năm tới. Li không xấu hổ với công việc bán thời gian của mình. Gia đình, bạn bè cô cũng rất ủng hộ.
"Thật tuyệt khi tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều người và hiểu rõ hơn về xã hội", Li nói.