Động lực sống khiến các Doanh nghiệp vẫn đang cố gắng “vùng vẫy, quẫy đạp” và sẵn sàng “bấu víu” vào bất kỳ chiếc phao cứu sinh nào. Tuy nhiên, trong suốt thời gian kể từ đầu năm 2022, Chính phủ đã tạo ra những chiếc phao để cứu thị trường và doanh nghiệp. Nhưng phao cứu sinh vẫn chưa đến được với doanh nghiệp giúp Doanh nghiệp có thể bám vào, tạo đà ngoi lên mặt nước. Sức chống đỡ của các Doanh nghiệp có giới hạn, nếu không “ngoi lên” kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn “sặc nước, ngừng thở” đồng loạt”.
Theo VARS, trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 Doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng Doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 doanh nghiệp.
Trong quý đầu năm 2023, doanh thu của các Doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do Doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án. Nhiều Doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thanh khoản yếu do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, đại đa số người mua hụt dòng tiền khi kinh tế còn nhiều thách thức, lãi vay cao, cửa tín dụng khó vào, các dòng tiền nhàn rỗi vẫn trú chân ở kênh gửi tiết kiệm. Yếu tố đáng lo ngại nhất là người mua mất niềm tin vào thị trường bất động sản.
Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất sát sao, ban hành hàng loạt các chính sách, chỉ đạo điều hành như: Nghị định 08, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất, giảm lãi suất, lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản… Song, đến nay, thị trường chưa thể "tan băng", giao dịch vẫn ngày càng đi xuống và các khó khăn của doanh nghiệp ngày càng nặng nề hơn.
"Hiện nay, thống kê có tới hàng ngàn dự án "đắp chiếu", cả nước có khoảng 1.000 dự án phải nằm chờ việc điều chỉnh, xem xét, phê duyệt, giá trị các dự án này khoảng 800.000 tỷ đồng (30 tỷ USD). Số dự án này nếu được kích hoạt trở lại sẽ tạo ra thị trường và thúc đẩy kinh tế rất tốt. Tuy nhiên, các giải pháp tháo gỡ khó khăn đang rất chậm nên nguy cơ chết trên đống tài sản của doanh nghiệp là rất cao", vị chuyên gia nói.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản bị ngấm đòn trong thời gian dài khiến cho mọi nỗ lực của các phía chỉ dừng lại ở mức giúp thị trường cầm cự, chưa thể thoát khỏi trạng thái suy yếu. Sức khoẻ của thị trường, môi giới bất động sản trong suốt thời gian qua luôn duy trì ở mức báo động.