Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa có yêu cầu Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư), Sở KH&ĐT triển khai các bước tiếp theo sau khi có kết quả tuyển chọn phương án kiến trúc cho cầu Thượng Cát. Theo ông Tuấn, dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 rất quan trọng. “Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, nối thông toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng; mở thêm đường kết nối phía Tây, Tây Nam Thủ đô giữa các quận, huyện phía Bắc và Nam sông Hồng...”, ông Tuấn cho hay.
Ảnh thiết kế cầu Thượng Cát vừa đạt giải nhất thi tuyển.
Với phương án kiến trúc cầu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, việc tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Thượng Cát là một bước rất quan trọng trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng, nhằm tìm kiếm một phương án kiến trúc đẹp, bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch, hài hòa với cảnh quan xung quanh; có giải pháp kết nối giao thông hợp lý, khoa học, hiệu quả trong đầu tư, vận hành và bảo trì.
Kết quả cuộc thi đã được Hội đồng thi tuyển gồm nhiều kiến trúc sư có kinh nghiệm, các chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường làm việc nghiêm túc, cẩn trọng đánh giá, xếp hạng, lựa chọn được các phương án tốt, đạt yêu cầu về các tiêu chí của quy chế cuộc thi.
Sau khi có tuyển chọn được phương án kiến trúc tối ưu nhất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cùng các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, khởi công triển khai dự án vào đúng dịp 10/10/2024 theo kế hoạch đã đặt ra.
Dự án xây cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu nằm trên đường Vành đai 3,5 nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng. Theo phương án kiến trúc vừa trúng tuyển giải nhất, cầu Thượng Cát có chiều rộng mặt cắt ngang rộng 37,4m, được tổ chức giao thông thành 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp. Tiến độ thi công dự án từ nay đến năm 2025.