Khơi dậy đam mê nghệ thuật dân tộc cho học sinh

Hồ Phúc | 03/04/2023, 13:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tiếp cận nghệ thuật truyền thống sẽ giúp khơi gợi ý thức, tình yêu văn hóa dân tộc đang ngày càng mai một trong học trò thời 4.0.

Bước vào học kỳ II năm học 2022 - 2023, nghệ thuật cải lương, tuồng cổ đã đến gần hơn với học sinh khi các trường THCS, THPT tại TPHCM lồng ghép vào môn học Giáo dục địa phương.

Hào hứng cùng nghệ thuật truyền thống

Trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) đã phối hợp với Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tổ chức chương trình “Du xuân học đường”, tái hiện các trích đoạn cải lương, tuồng cổ. Với khoảng thời gian 2 tiết, học sinh không chỉ xem các nghệ sĩ biểu diễn còn được trực tiếp hóa thân vào nhân vật lịch sử như một nghệ sĩ cải lương sân khấu.

Chỉ vỏn vẹn 20 phút tập luyện cùng nghệ sĩ sau sân khấu tuy không giúp Nguyễn Bảo Ngọc (Trường THCS Nguyễn Du) có được màn diễn hoàn hảo, nhưng bù lại những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình của thầy cô, bạn bè đã giúp nữ sinh này thêm hào hứng và hiểu biết hơn về môn nghệ thuật dân tộc.

Bảo Ngọc chia sẻ: “Được khoác lên mình trang phục biểu diễn em cảm thấy tự hào và hiểu phần nào khó khăn, vất vả của người nghệ sĩ bởi trang phục được may nhiều lớp, chất liệu vải bóng, khó thóat mồ hôi... Hơn nữa, muốn diễn xuất thành thạo trên sân khấu, nghệ sĩ phải tập luyện chuyên cần. Bản thân em dù chỉ tập một số động tác đơn giản nhưng không hề dễ dàng và khó để nhuần nhuyễn khi lên sân khấu biểu diễn”.

Trung tuần tháng 2, tại Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), trích đoạn cải lương kinh điển “Khói lửa biên thùy” đã được tái hiện trên sân khấu và đem đến nhiều cảm xúc mới lạ cho học sinh. Mặt khác, khi được xem, nghe thuyết trình qua về nội dung nghệ thuật đã giúp các em hiểu sâu hơn về loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc, từ đó thắp lên “ngọn lửa” say mê với nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Hào hứng ở lần đầu xem cải lương, em Hồ Tấn Phong, học sinh Trường THPT Gia định chia sẻ: “Sau khi xem trích đoạn cải lương, em có cái nhìn khác về loại hình nghệ thuật này. Từ việc cảm thấy hứng thú, chắc chắn em sẽ tiếp tục tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè ý nghĩa nghệ thuật cải lương”.

Trong tháng 2/2023, nhiều trường THCS, THPT ở TPHCM đã phối hợp với đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long để mang đến học sinh vài trích đoạn cải lương Hồ Quảng như: “Khói lửa biên thuỳ”, “Nữ hùng dựng nước”, “Sở vân cứu giá”...

Các nghệ sĩ hóa thân trong bộ trang phục cầu kỳ bắt mắt, đã khiến học sinh thêm tò mò. Khi trích đoạn kết thúc, giáo viên còn tổ chức cho học sinh chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận trên lớp. Từ hiểu biết của học trò, giáo viên tiếp tục khơi gợi, khéo léo định hướng để các em tiếp tục tìm hiểu nét đẹp, ý nghĩa nghệ thuật truyền thống cải lương mà không thấy khó khăn hay nhằm chán.

Khơi dậy đam mê nghệ thuật dân tộc cho học sinh ảnh 1

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du hào hứng sau khi xem trích đoạn cải lương Hồ Quảng “Khói lửa biên thuỳ”.

Hiểu rõ văn hóa của dân tộc

Cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho hay, nhà trường phối hợp với Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tổ chức chương trình “Du xuân học đường” với mục đích giúp học sinh tìm hiểu các di sản văn hóa dân tộc như là hát bội, cải lương. Qua đó, giới thiệu và hướng các em tới nét đẹp nghệ thuật truyền thống.

Ngoài ra, trong nội dung Giáo dục địa phương của Chương trình GDPT 2018 có chủ đề Âm nhạc truyền thống dân tộc, vì thế đây cũng là loại hình nghệ thuật mà học sinh cần tiếp cận ban đầu một cách đúng hướng.

“Chương trình “Du xuân học đường” là hình thức đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy khi triển khai Chương trình GDPT 2018 với môn hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp. Hình thức giáo dục đặc sắc đã giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm thực tế, chứ không chỉ hiểu và học kiến thức qua sách vở”, cô Trang cho hay.

Cũng theo cô Trang, với nghệ thuật cải lương, nhà trường dự kiến mỗi năm tổ chức ít nhất một chương trình để học sinh có cơ hội hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, trong học kỳ 2 năm học 2022 - 2023, Trường THCS Nguyễn Du sẽ đưa thêm một số loại hình nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống vào giới thiệu để bổ sung kiến thức, nâng cao ý thức tự hào, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc cho học trò.

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10), hàng năm, ban giám hiệu phối hợp cùng các đơn vị đưa nghệ thuật dân tộc đến học sinh trong 2 tiết chào cờ đầu tuần như hoạt động ngoại khóa bắt buộc. Đây cũng là lần đầu tiên hoạt động ngoại khóa trở thành nội dung môn học Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp ở lớp 10 khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ: “Không chỉ cải lương, nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác, đặc biệt đờn ca tài tử, ca trù đã được đưa vào nhà trường. Chúng tôi quan niệm học sinh cần được “bồi bổ” nghệ thuật dân tộc thường xuyên, như một món ăn tinh thần. Hy vọng các môn nghệ thuật truyền thống dân tộc này sẽ tồn tại trong học đường để tuổi trẻ được nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành ý thức bảo vệ, phát triển trước nguy cơ mai một ngày càng lớn…”.

Nghệ sĩ Hồng Nhung (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long) cho biết: “Đưa trích đoạn cải lương, tuồng cổ đến gần học sinh không chỉ giúp các em hiểu rõ về nghệ thuật văn hóa đặc trưng người dân Nam Bộ, qua đó còn tái hiện những trang sử hào hùng dân tộc, giáo dục học sinh lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì Tổ quốc ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng được xem như một trong những hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp bộ môn Lịch sử gần gũi, dễ nhớ, thay đổi quan điểm sợ, ngại học của học sinh với môn học vẫn được nói cứng và khó…”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khơi dậy đam mê nghệ thuật dân tộc cho học sinh