Khơi dậy khát vọng cống hiến

Phạm Khánh | 11/09/2022, 06:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bước vào năm học mới 2022 - 2023, các trường phổ thông tăng cường đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và khơi dậy khát vọng cống hiến.

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống

Từ ngày 5/9, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2022 – 2023. Bên cạnh quyết tâm kiên định và nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đổi mới, trong đó trọng tâm là triển khai đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, các nhà trường tiếp tục khẳng định vai trò của giáo dục đạo đức, lối sống tư tưởng và khơi dậy khát vọng cống hiến cho các thế hệ học sinh.

Tại Trường THCS Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, giáo dục văn hóa trong nhà trường luôn gắn liền với nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ngoài giờ học chính khóa, những năm học vừa qua, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về các chủ đề như Phòng chống bạo lực học đường, An toàn giao thông, Phòng chống xâm hại tình dục, An toàn thực phẩm... bằng nhiều hình thức.

Nhà trường mời chuyên gia, diễn giả hoặc giáo viên lên sân khấu trò chuyện cùng học sinh. Ngược lại, học sinh tích cực “sân khấu hóa” các chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống như đóng kịch, biểu diễn văn nghệ... để thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh và bản thân các em được trải nghiệm những bài học bổ ích ngoài giờ lên lớp.

Trong các tiết học, thầy cô giáo lồng ghép bài học về An toàn giao thông, An toàn thực phẩm, Phòng chống bạo lực học đường nói chung... và những bài học kỹ năng sống quan trọng như làm việc nhóm, tự lập, tư duy tích cực... trong các môn học phù hợp như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp... hay các buổi sinh hoạt lớp hàng tuần.

Trong đợt dịch Covid-19 khiến trường học phải chuyển sang học trực tuyến, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống vẫn luôn được trau dồi, thực hiện mà không bị mai một. Thầy cô giáo vẫn lồng ghép bài học, nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức, tác phong, tích cực rèn luyện kỹ năng, đạo đức trong thời gian học trực tuyến. Đồng thời, tổ chức các chương trình kỹ năng sống, giáo dục đạo đức cho học sinh theo hình thức trực tuyến.

Bước sang năm học mới 2022 – 2023, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, học sinh hân hoan trở lại trường học tập trực tiếp, Trường THCS Tân Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường lồng ghép các bài học về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh toàn trường. Các bài học có thể mở rộng phạm vi thực hiện như đến thăm các khu di tích lịch sử, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ địa phương, đến thăm các gia đình có công với cách mạng, gia đình khó khăn...

Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không phải chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà còn cần sự hỗ trợ, sẻ chia và quan tâm từ phụ huynh.

Thầy giáo Lê Văn Bảy bày tỏ: “Hơn lúc nào hết, trong hoàn cảnh này, chúng tôi rất cần các bậc phụ huynh hãy đồng hành cùng các con. Hãy dành tất cả tình yêu thương, sự quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất có thể giúp các con học tập tốt, để các con luôn là con ngoan, trò học giỏi, kỹ năng sống tốt”.

Khơi dậy khát vọng cống hiến ảnh 1

Học sinh Trường THPT Đức Hợp trở lại trường học trực tiếp từ tháng 2/2022.

Rèn luyện đức - trí - thể - mỹ

Thầy giáo Hà Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, cho biết, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là một trong những mục tiêu quan trọng của nhà trường, qua đó góp phần giáo dục toàn diện cho các em cả về đức – trí – thể - mỹ.

Nhà trường tích cực đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ như Tiếng Anh, Guitar... giúp học sinh trau dồi trải nghiệm, kỹ năng sống, xây dựng kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên tổ chức chương trình hướng nghề, hướng nghiệp cho học sinh toàn trường và học sinh lớp 12 nói riêng nhằm giúp các em tìm hiểu, xác định được những ngành nghề phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân.

Học sinh nhà trường cũng tích cực tham gia các cuộc thi như “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục và lan tỏa ra xã hội. Những kiến thức từ cuộc thi góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong học tập, rèn luyện, giảng dạy.

Thầy và trò nhà trường luôn xác định mục tiêu giáo dục đào tạo con người cả về tri thức, thể chất và nhân cách. Đối với thầy, đó là phương châm “Nghiêm túc trong công việc – Tôn trọng lẫn nhau – Vì học sinh hành động”. Còn học sinh luôn khắc ghi: “Nghiêm túc trong học tập – Tôn trọng lẫn nhau – Vì tương lai hành động”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khơi dậy khát vọng cống hiến