Hình thành thái độ sống tích cực cho mỗi học sinh
Không lựa chọn theo đuổi khối tự nhiên, nhiều học sinh tìm đến với các môn học khối xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Đối với Triệu Thị Giang, học sinh lớp 12A11K62 trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Lịch sử được Giang đặc biệt yêu thích và dành nhiều thời gian, tâm huyết cho môn học này.
Chia sẻ về cơ duyên đến với môn Lịch sử, Giang cho biết, ngay từ khi còn học cấp 2 em đã được cô giáo dạy Lịch sử truyền cảm hứng thông qua các bài giảng, rồi từ đó em lại càng muốn tìm hiểu và dành nhiều thời gian để đọc sách, tài liệu, xem phim về lịch sử. Năm học lớp 9, Giang được cô giáo bộ môn lựa chọn đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải Nhì. Kết quả này là khởi đầu và cũng là động lực để em tiếp tục chinh phục môn học hấp dẫn này.
Càng tìm hiểu càng thấy cuốn hút, rồi sở thích ấy cứ lớn dần thành niềm đam mê, suốt những năm học phổ thông trung học, Giang lại có cơ hội được bồi dưỡng, trau dồi kiến thức về môn lịch sử, đã tham gia và đạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia môn Lịch sử.
Chia sẻ về bí quyết để học tốt môn Lịch sử, Giang cho biết: Đầu tiên phải có niềm yêu thích và đam mê với môn học, cần có sự kiên trì, cố gắng đọc nhiều sách báo, tài liệu xem phim về lịch sử. Đối với riêng em, em không học thuộc lòng mà học theo sơ đồ tư duy, phác thảo các sự kiện và nội dung chính. Trong quá trình làm bài thi môn lịch sử cần có phần trình bày logic, khoa học gồm mở bài, thân bài và kết bài. Quan trọng nhất là nhớ chính xác các sự kiện và nêu đúng tính chất của vấn đề. Đồng thời, trong mỗi bài thi viết về lịch sử em cũng bày tỏ thêm các suy nghĩ, cảm xúc của mình đối với sự kiện.
Đặc biệt, học Lịch sử còn giúp em có thái độ sống tích cực, biết yêu thương, trân trọng quá khứ, phát huy truyền thống yêu nước bằng chính sự cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ trong học tập. Đồng thời, lịch sử còn góp phần thôi thúc mỗi thế hệ học sinh nỗ lực phấn đấu vươn lên sao cho xứng đáng với sự mong đợi, kỳ vọng của thế hệ cha ông.
Như vậy, có thể nói Lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, là nguồn dữ liệu quý báu mà cha ông đã để lại, đây cũng là hồn cốt của dân tộc cần được phát huy, trao truyền qua các thế hệ. Với ý nghĩa đặc biệt đó, thế hệ trẻ hôm nay cần hiểu rõ giá trị các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, từ đó các em sẽ tự hào với truyền thống, có ý thức trách nhiệm với tương lai và tiền đồ của đất nước.