Giáo dục

Khởi nghiệp sáng tạo là động lực đột phá cho giáo dục đại học

PV 20/04/2025 23:26

Chiều 19/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp đột phá thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học".

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII - năm 2025, được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM,

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Đại học cần được đầu tư, tạo đột phá

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh vai trò then chốt của giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ngay trong các nhà trường.

Thứ trưởng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng một nghị quyết chuyên đề nhằm tạo đột phá cho ngành Giáo dục.

Từ tinh thần này, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung đề xuất những giải pháp đột phá, góp phần giúp giáo dục đại học Việt Nam khẳng định vị thế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.

b2.jpg

Theo Thứ trưởng, từ mầm non đến đại học là một chuỗi liên kết xuyên suốt, trong đó giáo dục đại học là mắt xích trọng yếu. Bậc học này nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi đây là nơi trực tiếp đào tạo lực lượng trí thức, chuyên gia cho xã hội. Nếu cần lựa chọn một bậc học để tập trung giải pháp đột phá, đó chính là bậc đại học.

Từ thực tiễn và những kiến nghị, đề xuất tại hội thảo, Thứ trưởng gợi mở một số định hướng chính để xây dựng giải pháp phát triển giáo dục đại học một cách bền vững và hiệu quả:

Thứ nhất, cần nhận diện và đánh giá toàn diện về giáo dục đại học hiện nay, đặc biệt là quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Bộ GD&ĐT vừa công bố Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, tạo nền tảng quan trọng cho việc hoạch định chính sách phát triển.

Thứ hai, cần xem xét mức độ tự chủ của các trường đại học: liệu đã đủ mạnh và đủ lực để các trường thực sự "đứng trên đôi chân của mình" hay chưa? Cơ chế tự chủ cần tiếp tục được hoàn thiện, đi kèm với trách nhiệm giải trình rõ ràng.

Thứ ba, phương thức quản lý cần đảm bảo tuân thủ pháp luật, nhưng đồng thời phải tạo đủ không gian để các trường phát triển, đổi mới. Phương thức điều hành và quản trị đại học cần linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng cơ sở, tránh áp dụng máy móc.

img-6344.jpg
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu ý kiến. Ảnh: HCMUTE

Trong bối cảnh thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong trường đại học, Thứ trưởng nhấn mạnh: trường đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn phải trở thành nơi khơi dậy tinh thần sáng tạo và đam mê học tập cho sinh viên.

Giảng đường đại học cần là nơi hiện thực hóa ước mơ của người học – những ước mơ không viển vông, mà được xây dựng trên nền tảng vững chắc của tri thức và khoa học.

Sinh viên không nên bị quản lý bằng những phương pháp hành chính khô cứng. Giá trị của các em cần được đánh giá thông qua sản phẩm, qua năng lực hình thành trong quá trình học tập và nghiên cứu. Trong hành trình ấy, giảng viên cần đóng vai trò là người đồng hành, là cộng sự – không chỉ truyền đạt mà còn truyền cảm hứng và dẫn dắt.

img-6369.jpg
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HCMUTE

Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường.

Hệ sinh thái đó phải tập thể gắn kết của trí tuệ, hợp tác, quyết tâm và sự đồng hành từ nhiều phía – từ nhà trường, giảng viên, sinh viên đến doanh nghiệp và xã hội.

Giáo dục khởi nghiệp là nền tảng

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh hiện nay. Theo các ý kiến tham luận, để thúc đẩy khởi nghiệp một cách bền vững, cần bắt đầu từ việc định hướng nghề nghiệp và khởi nghiệp ngay từ sớm.

Giáo dục khởi nghiệp phải là nền tảng để hình thành một xã hội khởi nghiệp, từ đó mới có thể phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, góp phần tạo dựng đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp có năng lực cạnh tranh trong thời đại mới.

img-6376.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HCMUTE

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một trong những khuyến nghị trọng tâm là việc Nhà nước cần thể chế hóa các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngay trong môi trường phổ thông và đại học.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động khởi nghiệp và xác lập cơ cấu chi tối thiểu dành cho các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Các đại biểu cũng đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác công – tư nhằm huy động đa dạng nguồn lực cho hoạt động khởi nghiệp; thành lập Quỹ quốc gia hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; thúc đẩy hình thành liên minh giữa đại học – doanh nghiệp – nhà đầu tư, trong đó các trường đại học giữ vai trò "hạt nhân" trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cấp vùng. Việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp liên ngành, xuyên biên giới cũng được đánh giá là xu thế tất yếu.

img-6302.jpg
Đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo. Ảnh: HCMUTE

Đáng chú ý, chuyển đổi số và công nghệ số được xem là công cụ không thể thiếu trong việc hỗ trợ khởi nghiệp hiện đại. Các đại biểu đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ AI, blockchain và các nền tảng mở để quản lý, theo dõi, đánh giá và kết nối các dự án khởi nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Song song đó, việc nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên cũng là nhiệm vụ cấp thiết.

Đặc biệt, sự thay đổi từ đội ngũ giảng viên – những người thầy trong nhà trường – được xem là yếu tố cốt lõi trong đổi mới tư duy khởi nghiệp.

Cùng với đó, cần phát triển đội ngũ mentor (người tư vấn, hướng dẫn) có kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp và công nghệ, nhằm đồng hành hiệu quả cùng sinh viên trong quá trình phát triển ý tưởng.

daibieu.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HCMUTE

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng tài liệu, tổ chức, tập huấn đội ngũ giảng viên, mentor nhằm đảm bảo cả về số lượng và chất lượng nguồn lực phục vụ công tác giảng dạy và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khoi-nghiep-sang-tao-la-dong-luc-dot-pha-cho-giao-duc-dai-hoc-post727856.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khoi-nghiep-sang-tao-la-dong-luc-dot-pha-cho-giao-duc-dai-hoc-post727856.html
Bài liên quan
Mỗi học sinh, sinh viên là người sáng tạo, khởi nghiệp và kiến tạo tương lai
Sáng 20/4, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII chính thức khai mạc tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi nghiệp sáng tạo là động lực đột phá cho giáo dục đại học