Diễn đàn chính sách cấp cao về khởi nghiệp sáng tạo “Từ địa phương ra quốc tế” là hoạt động điểm nhấn nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia năm 2024 (TECHFEST Việt Nam 2024) do Bộ KH&CN phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, Trưởng Ban tổ chức Techfest Quốc gia 2024 nhấn mạnh, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế-xã hội nước ta đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng trước đây dựa trên vốn, tài nguyên đã không còn dư địa và để đạt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, lựa chọn bắt buộc của Việt Nam là phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN, đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết, năm 2024, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp.
Việc nước ta luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển cho thấy hiệu quả của Chính phủ trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo..
Thứ trưởng Hoàng Minh cũng nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã cơ bản bước qua giai đoạn đầu tiên, đang bước sang giai đoạn thứ hai, mở rộng và hội nhập với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn một số vấn đề cần được cải thiện trong thời gian tới. Nổi bật là việc tập trung xây dựng chính sách pháp luật, hành lang pháp lý để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển tương xứng với mô hình, tiềm lực cũng như giai đoạn mới của sinh thái.
Trong các văn bản pháp luật và các văn bản hành chính từ cấp cao đến các văn bản các địa phương, các khái niệm, quy định, thuật ngữ về khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo vẫn còn chưa sử dụng một cách thống nhất dẫn đến chưa đúng với nội hàm. Ở nhiều nơi, các chủ trương, chính sách được thực thi chưa chính xác, chưa thực sự hiệu quả cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Chia sẻ rõ hơn, Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo có phần giao thoa, giống với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đây là hai đối tượng khác nhau, 2 nhóm hoạt động khác nhau.
Các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo phát triển, tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá và dựa trên nguồn lực huy động của xã hội, cơ bản chưa có các sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ bản đã có sản phẩm và tập trung phát triển sản phẩm đó để tạo ra lợi nhuận. Doanh nghiệp nhỏ và vừa không chấp nhận rủi ro cao để tăng trưởng nhanh như tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo.
Với bản chất khác nhau, định hướng phát triển khác nhau, hai loại hình này đòi hỏi các cơ chế, chính sách và môi trường khác nhau.
"Trên thực tế, hiện nay chúng ta chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, cho các tổ chức cá nhân khởi nghiệp sáng tạo và đâu đó, có một số quy định, đang nằm trong các văn bản pháp luật khác nhau.
Nhiều nội dung nằm trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Rất nhiều chính sách của hệ sinh thái, khởi nghiệp sáng tạo của các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo đang được sử dụng như các chính sách của doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thứ trưởng Hoàng Minh cho hay.
Vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh khi hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã trưởng thành, bước sang giai đoạn mở rộng và kết nối thì cần thiết phải xây dựng chính sách phù hợp với bản chất, quy mô, tiềm năng, định hướng phát triển của hệ sinh thái này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phố phát triển.
"Ngoài ra, trong giai đoạn tới, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn sẽ cần phải xuất hiện nhiều hơn và có vai trò quan trọng hơn để vừa là nơi đưa ra đầu bài vừa là nơi sử dụng tiếp quản của các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, bởi nếu để các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp tiếp tục phát triển tự phát như trước đây thì không tạo ra được hệ sinh thái bền vững, không có những kỳ lân", Thứ trưởng Hoàng Minh bày tỏ.
Chia sẻ tại diễn đàn, từ thực tiễn địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, với mục tiêu đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển và ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo nhất là trong các ngành như công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, dịch vụ logistics, y học biển....
Năm 2023, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của Hải Phòng đạt 52,32 điểm, xếp thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và TPHCM, xếp thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.
"TP. Hải Phòng kêu gọi sự hợp tác, tinh thần liên kết từ các địa phương, quốc gia và quốc tế để cùng chia sẻ, học tập kinh nghiệm, hướng đến một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững trong tương lai", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng bày tỏ.
Tại diễn đàn, các phiên thảo luận tập trung vào những thách thức và cơ hội của một số tỉnh, thành phố đi kèm với những sáng kiến, giải pháp trong quá trình xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương.
Trong đó, phiên một với chủ đề "Khai thác thế mạnh đặc thù phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương" là một trong những điểm nhấn với việc trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương Hàn Quốc, những nơi đã thành công trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp năng động thông qua hệ thống các trung tâm kinh tế sáng tạo và đổi mới cũng như hệ thống các công viên công nghệ.
Điều này mở ra cơ hội cho các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam áp dụng và học hỏi mô hình hỗ trợ, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Trong phiên thứ hai, với thông điệp "Liên kết, khơi thông nguồn lực và phát triển hệ thống trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo địa phương", các đại biểu đã đưa ra những đề xuất, giải pháp đổi mới, liên kết nguồn lực giữa Việt Nam và quốc tế, giữa khu vực tư và công, với định hướng biến Trung tâm hỗ trợ quốc gia trở thành nơi kết nối và phân bổ nguồn lực phù hợp với lợi thế địa phương và Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo địa phương đảm bảo số lượng và chất lượng đầu ra từng dự án.
Thông qua Diễn đàn, Bộ KH&CN mong muốn khuyến khích sự liên kết giữa các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo địa phương, quốc gia và quốc tế, khai thác tối đa các nguồn lực trong việc cung cấp hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo. Việt Nam sẵn sàng học hỏi và áp dụng các sáng kiến hợp tác quốc tế để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước phát triển với định hướng bền vững và kết nối toàn cầu.
* Chiều cùng ngày, Ban Tổ chức đã khai mạc triển lãm các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo, với tổng số hơn 250 gian hàng của các start-up công nghệ và hơn 100 gian hàng từ các sản phẩm sáng tạo của các địa phương, tập trung ở các lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo, vi mạch điện tử, Fintech, môi trường, công nghệ sinh học, thương mại điện tử, nông nghiệp, thực phẩm…
Đáng chú ý, Triển lãm thu hút sự tham gia của hơn 40 gian hàng đến từ bạn bè quốc tế, trong đó nhiều gian hàng đến từ Hàn Quốc, khẳng định sự hợp tác chặt chẽ trong chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và quốc tế nói chung, giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng.