Giáo dục

Không bất thường khi điểm chuẩn ngành Sư phạm thuộc diện cao nhất

23/08/2024 17:06

Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành công bố điểm chuẩn tuyển sinh đợt 1, năm 2024.

Dù không bất thường nhưng dư luận khá bất ngờ khi một số ngành Sư phạm có điểm chuẩn (theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT) thuộc diện cao nhất.

Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đang nhận được sự quan tâm của dư luận bởi mức điểm chuẩn thuộc diện “top ten” trên toàn quốc. Trong đó phải kể đến Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hai ngành học này có điểm chuẩn cao nhất nước với 29,3/30 điểm. Mức điểm này tương đương trung bình gần 9,8 điểm/môn thi. Bên cạnh đó, Sư phạm Địa lý có điểm chuẩn 29,05/30 điểm. Riêng ngành Sư phạm Lịch sử, thí sinh đạt điểm 29,3 và phải đặt nguyện vọng 1 mới trúng tuyển.

Thực tế, điểm chuẩn nhóm ngành Sư phạm cao đã được các chuyên gia tuyển sinh dự báo từ trước nên không có gì là “đột biến”. Cũng không khó để lý giải câu chuyện này, bởi năm nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào sư phạm tăng vọt (nếu tính về số lượng tuyệt đối, lĩnh vực này tăng mạnh nhất, khoảng 200.000 nguyện vọng so với năm 2023), trong khi chỉ tiêu giảm do nhu cầu đặt hàng của địa phương không nhiều.

Bên cạnh đó, phổ điểm môn Ngữ văn năm nay ở mức cao nên những tổ hợp có sử dụng môn học này đều nằm trong bảng xếp hạng điểm chuẩn cao như: Tổ hợp C00, D01, D14.

Ngoài ra, những năm gần đây, ngành Sư phạm đã có nhiều “bứt phá” và khởi sắc. So với năm 2023, tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85%. Nhiều năm liên tiếp, ngành Sư phạm luôn nằm trong tốp có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học nhiều nhất. Không phủ nhận, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” (Nghị định 116) đã tạo thêm động lực cho sinh viên lựa chọn ngành này.

Xét trên bình diện chung cả nước, điểm chuẩn khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) tăng cao. Cùng với đó, sức cạnh tranh của các ngành, trường uy tín, chất lượng ngày càng rõ hơn. Trong khi đó, tuỳ theo chỉ tiêu, một ngành có thể ít hoặc nhiều; thậm chí có ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng cả vùng lớn tập trung vào đó nên có thể đẩy điểm chuẩn lên cao.

Mặt khác, nếu so sánh phổ điểm năm 2024 với 2023 thì thấy, phổ điểm có “nhích lên”. Do đó, điểm chuẩn các ngành Sư phạm nêu trên và một số ngành xét tuyển bằng tổ hợp C00 cao là điều đã được dự báo.

Ở góc nhìn khác, điểm chuẩn còn phụ thuộc vào phương thức xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, hiện chưa có sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Thực tế này dẫn đến lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo điểm tốt nghiệp THPT ít đi, chỉ tiêu cho phương thức này cũng hạn hẹp hơn. Đây là nội dung Bộ GD&ĐT đã trao đổi trong Hội nghị giáo dục đại học năm 2024.

Thế mới nói, đã đến lúc cần nhìn nhận khách quan, khoa học về ưu, nhược điểm của phương thức xét tuyển sớm để nhận thấy những tác động và hệ lụy của các phương thức này trong công tác tuyển sinh. Tất cả phải hướng đến tiêu chí là công bằng với thí sinh và bảo đảm chất lượng nguồn tuyển cho cơ sở giáo dục đại học, tạo sự ổn định trên toàn hệ thống.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khong-bat-thuong-khi-diem-chuan-nganh-su-pham-thuoc-dien-cao-nhat-post697848.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khong-bat-thuong-khi-diem-chuan-nganh-su-pham-thuoc-dien-cao-nhat-post697848.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không bất thường khi điểm chuẩn ngành Sư phạm thuộc diện cao nhất