Cái khó của nghệ thuật làm cha mẹ, làm thầy chính là không được chạm vào hai thái cực đó, mà phải cân bằng ở vị trí phù hợp nhất với một đứa trẻ cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể. Muốn làm được như vậy, bản thân cha mẹ, thầy cô phải có ý thức giữ gìn sức khỏe thể chất, tinh thần tốt để luôn tạo ra năng lượng tích cực, ấm áp thu hút các em. Nếu bản thân người lớn đã mệt mỏi, trầm cảm, không vững chãi, rất khó để chúng ta đủ năng lượng để giúp đỡ người khác, dù là những người thân thuộc bên cạnh mình.
- Theo ông, những gia đình có con cái rơi vào trường hợp học kém, sa sút nên có những ứng xử như thế nào?
- Đúng là khi trẻ học kém hơn bạn, hoặc không đáp ứng được yêu cầu trung bình của chương trình học, các em phải chịu áp lực rất lớn. Thường trẻ sẽ chán học, muốn bỏ học. Nếu cha mẹ gặp tình huống như vậy, hãy trao đổi với thầy cô hoặc chuyên gia cố vấn học tập để tìm giải pháp hỗ trợ. Việc hỗ trợ có thể là học kèm, học lại, học thêm mùa hè… Thậm chí nếu thầy cô, chuyên gia sau khi xem xét kỹ thấy việc em ở lại lớp một năm tốt hơn, cha mẹ cũng không nên lấy đó làm chuyện quá nặng nề.
Trong giáo dục có nhiều cách thức để hỗ trợ học sinh kém. Cái cốt lõi là không được khiến em đánh mất lòng tin ở chính mình. Một người thầy giỏi, người cha và người mẹ có tấm lòng thực sự là người giúp em tin rằng mỗi đứa trẻ có một hoặc một số tài năng riêng, có kiểu trí thông minh riêng và không bao giờ từ bỏ cố gắng.
Growth mindset (tinh thần vươn lên) là một loại năng lực và một giá trị quý báu với giáo dục ngày nay. Trong mọi trường hợp, trẻ nên lấy sự tiến bộ của bản thân mình làm động lực để cố gắng thay vì so sánh với bất kỳ ai khác. So sánh trẻ với chính nó, chứ không so sánh với bất kỳ đứa trẻ nào khác, là một biểu hiện của nền giáo dục nhân đạo, văn minh. Cho phép trẻ bước đi với tốc độ riêng của chính mình thay vì bạo hành để chúng chạy kịp các bạn là một cách giúp đỡ trẻ có hiểu biết.
Bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc cho học trò
- Về phía nhà trường, thầy, cô giáo sẽ tham gia điều phối vấn đề này thế nào cho vẹn cả đôi đường, thưa ông?
- Thầy cô ở trường học đều là các chuyên gia giáo dục, ít nhiều được đào tạo về tâm lý học, nên sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường với việc xử lý áp lực của học sinh phải ở thế chủ động. Thử thách vừa sức, phù hợp với lứa tuổi và tình trạng cá nhân là một nguyên tắc của tâm lý giáo dục. Các buổi sinh hoạt lớp, lớp học kỹ năng, các hoạt động sự kiện, ngoại khóa trong trường, trong lớp… phải là những dịp để bồi dưỡng, rèn tập cho các em những kiến thức, kỹ năng để đối phó với vấn đề nảy sinh trong trường học, trong cuộc sống.
Đừng chỉ tồn tại một đường dây nóng để các em cần gì thì gọi, mà hãy dành sự quan tâm cho mỗi học sinh, chủ động gọi cho các em ngay khi thầy cô, chuyên viên tâm lý học đường cảm thấy có những dấu hiệu bất ổn. Đó cũng là lý do tôi mong thầy cô được giảm bớt những gánh nặng hành chính không cần thiết để tập trung vào chuyện dạy và học cũng như quan tâm, chăm sóc cho học trò. Bảo vệ sự an toàn và hạnh phúc của học sinh, đó mới là sứ mệnh lớn nhất của người thầy ở trường học.
- Xã hội liên tục thay đổi, để thực hiện sứ mệnh bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc cho trò, thầy cô cần kỹ năng gì?
- Tất cả giáo viên phổ thông đều được trang bị kiến thức về tâm lý học giáo dục (tâm lý sư phạm) trong trường sư phạm hoặc khóa đào tạo giáo viên, tuy nhiên kiến thức chỉ là một điểm khởi đầu. Khi thực hành nghề sư phạm, giáo viên cần liên tục cập nhật, tập huấn và ứng dụng thực tế để có thể hình thành các kỹ năng về hỗ trợ tâm lý, cao hơn nữa là trường học xây dựng được văn hóa về bảo vệ sức khỏe học sinh, cả về thể chất, tinh thần và quan hệ xã hội.
Kiến thức khoa học tâm lý và các vấn đề sức khỏe tinh thần cũng liên tục thay đổi theo bối cảnh xã hội, do vậy, giáo viên cần xác định mình phải có được khả năng “tự đào tạo” để liên tục cập nhật những vấn đề đương đại, như stress, trầm cảm, bạo lực học đường, hiện tượng bắt nạt, bắt nạt qua mạng, khủng hoảng tuổi vị thành niên, lạm dụng tình dục, tự tử, xả súng hàng loạt...
Thầy cô thường thiên về xây dựng môi trường giáo dục lý tưởng bằng cách không muốn nhắc tới những điều xấu xí, nhưng đó không phải cách giải quyết vấn đề hiệu quả. Để giải quyết vấn đề một cách thực tế, chúng ta phải nhìn thấy được, cảnh báo, ngăn chặn, đào tạo cho học sinh nội lực để đối phó với những vấn đề của thời đại, cuộc sống. Như vậy, các em có thể đủ sức mạnh, bản lĩnh, dũng cảm để đương đầu hoặc chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ.
Có không ít các chuyên gia thường xuyên chia sẻ kết quả nghiên cứu về tâm lý học để giải thích các vấn đề phát sinh trong xã hội Việt Nam, bao gồm cả vấn đề của thanh, thiếu niên, như TS Nguyễn Phương Mai, TS Lê Nguyên Phương… Đây là nguồn tham khảo tốt về tâm lý học hiện đại mà thầy cô có thể tìm hiểu.
- Xin cảm ơn ông!