Nỗ lực gỡ khó
Khẳng định việc số hóa trong công tác quản lý giáo dục tại các trường vùng khó vô cùng hữu ích, cần thiết, thầy Nông Thế Huân minh chứng: Trước đây, để dự cuộc họp trong vòng 30 phút – 1 giờ, lãnh đạo nhà trường phải đi 150km về thành phố Hà Giang. Ban giám hiệu, tổ chuyên môn tham gia dự giới thiệu, chọn sách cũng vất vả về hành trình đi lại. Hiện thông qua số hóa, các hoạt động này được triển khai nhanh chóng mà không kém hiệu quả. Ban giám hiệu có thời gian để quản lý sát sao chuyên môn, trường lớp;
Hoặc với công tác tuyển sinh lớp 10, chuyển trường, lớp cho học sinh nhanh, thuận tiện, cập nhật thông tin chính xác. Việc nhận văn bản hướng dẫn, chỉ đạo… từ sở, ban ngành khác nhanh chóng, kịp thời; Việc nộp báo cáo của trường về sở cũng thuận lợi không tốn công sức, thời gian...”.
Đồng quan điểm về những ưu thế mà số hóa mang lại cho công tác quản lý giáo dục, tuy vậy, thầy Vũ Văn Viện cũng chỉ ra khó khăn của chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường, đó là hệ thống các công cụ, phần mềm số hóa còn rời rạc, chưa tối ưu hóa được cơ sở dữ liệu.
Mặt khác để ứng dụng vững vàng đòi hỏi cán bộ quản lý “đầu tư” thời gian tìm hiểu, thực hành. Có thông thạo, vững vàng thì việc quản lý qua phần mềm số hóa mới phát huy hiệu quả… Do đó, những năm học tới trường sẽ nỗ lực tháo gỡ những khó khăn cơ bản này.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bình, Yên Bái) chia sẻ: Phòng đang sử dụng nhiều phần mềm quản lý số hóa. Ví như cơ sở dữ liệu ngành do Bộ GD&ĐT chuyển giao. Trên cơ sở dữ liệu ngành, lãnh đạo phòng GD&ĐT có thể “nắm” được thông tin từ ban giám hiệu, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, thiết bị, tỷ lệ tiêm chủng… trong các trường. Về quản lý con người lại sử dụng phần mềm quản lý công chức, viên chức của Sở Nội vụ…
Theo ông Lịch, số hóa là cần thiết và hữu ích cho việc quản lý giáo dục toàn ngành. Song bất cập nhất trong quá trình số hóa với giáo dục vùng khó khăn như Yên Bình chính là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; vẫn còn 1 bộ phận cán bộ quản lý các nhà trường chưa hiểu sâu về nền tảng số hóa nên việc triển khai chưa quyết liệt, sáng tạo và thiếu hiệu quả. Đặc biệt việc sử dụng nhiều phần mềm trong quá trình số hóa quản lý dẫn tới sự chồng chéo…
“Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, phòng đề nghị các nhà trường tiết kiệm khoản chi thường xuyên để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất (máy móc, đường truyền); Về mặt con người sẽ tích cực tập huấn, chuyển giao, “cầm tay chỉ việc” cho tới khi thành thạo ứng dụng…”, ông Lịch nói.