Với 425 học sinh đang theo học ở 27 lớp, trong đó 280 em khuyết tật dạng khiếm thính, Trường PTCS Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) là một trong những trường chuyên biệt có bề dày giáo dục trẻ khuyết tật. Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường có 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và THCS.
Ảnh minh họa/ INT |
Trong đó Mầm non có 3 lớp, cấp Tiểu học 15 lớp, THCS có 9 lớp. Học sinh bình thường học lớp A, học sinh khiếm thính học lớp B và giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ ký hiệu. Riêng Mầm non, trường sắp xếp trẻ lành hoạt động chung với trẻ khiếm thính nhưng có chương trình can thiệp sớm dành riêng cho các em.
“Ngoài chú trọng công tác chuyên môn, trường luôn quan tâm đến công tác phát triển Văn - Thể - Mỹ cho học sinh khuyết tật. Trường đang áp dụng thời khóa biểu môn Giáo dục thể chất đúng theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT, ngoài ra còn tổ chức các hoạt động để học sinh được trải nghiệm như CLB thể thao, các cuộc thi dịp lễ, Tết…
Đặc biệt, Ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4) hằng năm đã trở thành ngày hội văn hoá - thể thao toàn trường. Vào ngày này, học sinh được cắm trại, trổ tài văn nghệ, thi đấu các môn thể thao tại sân trường như kéo co, nhảy bao bố, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, cờ vua, cờ tướng, trò chơi Trí Uẩn… Các hoạt động được thiết kế đảm bảo sự bình đẳng giữa học sinh thường và khiếm thính, tạo niềm vui, trải nghiệm thú vị, khuyến khích học tập”, thầy Hoan nhấn mạnh.
Thầy Phạm Văn Huy, giáo viên môn Giáo dục thể chất của trường cho biết thêm, với học sinh (đặc biệt khiếm thính), quan trọng phải giúp các em ý thức được tầm quan trọng môn học thể chất. Trong sách giáo khoa mới lớp 6, lớp 7, giáo viên cần chú ý lựa chọn và dạy các chủ đề phù hợp giúp học sinh tập luyện hài hòa Đức - Trí - Thể - Mỹ. Việc xây dựng chương trình ngoại khóa, mở CLB thể thao cũng cần được quan tâm để học sinh có cơ hội tập luyện, phát triển năng khiếu cá nhân...
Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện có 167 học sinh khiếm thị. Cô Trần Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng cho biết, với đặc thù riêng nên việc tổ chức hoạt động thể dục thể thao cho học sinh đang thực hiện theo hướng linh hoạt, phù hợp từng đối tượng.
Chẳng hạn, phần định hướng di chuyển, trường duy trì sự hỗ trợ của cả phụ huynh và giáo viên để học sinh tăng cường vận động. Bên cạnh đó, trường thường xuyên tổ chức giải bóng đá mini cho học sinh khiếm thị dưới cả hình thức chia đội để đá vòng tròn và sút bóng vào gôn; tổ chức nhiều cuộc thi giúp học sinh tăng cường vận động như dùng gậy di chuyển qua vật cản, chạy có người mắt sáng dẫn đường. Ở môn Giáo dục thể chất có động tác theo yêu cầu, giáo viên dạy theo phương pháp “tay trên tay” trực tiếp, đảm bảo dù học sinh khiếm thị không nhìn được cô làm mẫu vẫn thực hiện được bài học…
“Các nhà trường cần căn cứ vào từng đối tượng học sinh khuyết tật để có giải pháp linh hoạt trong triển khai dạy học Giáo dục thể chất, giúp các em được giáo dục toàn diện. Với học sinh khuyết tật có khả năng và đam mê bộ môn thể thao nào, nhà trường cần tạo điều kiện cho các em được tham gia môn, giải thể thao đó để khẳng định giá trị của bản thân...”. - Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.