Mặt khác, để xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách dạy học theo phương pháp này còn khó khăn. Vì thế, giải pháp mà các trường, địa phương áp dụng là tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy học theo giáo dục STEM.
Tuy nhiên, giáo viên vừa thiếu về số lượng và yếu về tiếp cận giáo dục STEM đang là thực trạng đáng quan ngại dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, bị động. Thậm chí, ở nhiều trường, học sinh vẫn đang “chơi STEM” chứ không đạt đến yêu cầu học qua STEM dù có giáo viên chuyên trách. Thứ nữa, dù Bộ GD&ĐT đã có nhiều tài liệu về giáo dục STEM nhưng các thầy, cô giáo và học sinh vẫn nhìn nhận và có quan niệm chưa thống nhất về phương pháp này.
Để triển khai giáo dục STEM hiệu quả, việc đầu tiên cần thực hiện là giúp giáo viên, học sinh, hiểu đúng, đủ, sâu về hoạt động này. Đồng thời, nâng cao nhận thức của thầy, trò, cộng đồng về giáo dục STEM. Các địa phương, trường phổ thông cần phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện giáo dục STEM; đặc biệt phải xây dựng tài liệu, tổ chức tốt khâu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Từ đó, thúc đẩy và thực hiện giáo dục STEM hiệu quả.
Về phía các trường sư phạm, cần xây dựng chương trình đào tạo, các mô-đun bồi dưỡng cho sinh viên về giáo dục STEM, để khi ra trường, các em có thể tự tin bắt tay ngay vào dạy học theo phương pháp hiện đại, tích cực này.
Đối với các địa phương, cơ sở giáo dục, cần tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên phục vụ giáo dục STEM, sáng tạo thực hiện STEM trong điều kiện thực tế; Tránh triển khai hình thức hoặc viện lý do không đảm bảo điều kiện để trì hoãn việc phát triển dạy học, từng bước nhân rộng mô hình giáo dục STEM.