Không để đuối nước thành nỗi đau thường trực

24/06/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đuối nước có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào với học sinh, nhất là vào mùa Hè.

Thời gian qua, nhiều trường học, cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức và cơ sở vật chất để dạy bơi, phổ cập kỹ năng bơi lội… cho học sinh với mong muốn không để đuối nước trở thành nỗi đau của gia đình, xã hội.

Trang bị kiến thức

Tháng 6/2022, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn. Theo đó, TPHCM phấn đấu 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030; 90% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030 và giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.

Giữa tháng 5, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) đã tổ chức hoạt động ngoại khóa với chuyên đề “Kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước hè 2023” cho học sinh. Theo đó, các em được giới thiệu về thực trạng, những nơi dễ bị tai nạn và hậu quả đuối nước; trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết khi gặp nạn...

Cô Đặng Thị Ánh Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt, cho biết: Trong năm học nhà trường đã chủ động nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, hình thành hành vi tuân thủ nguyên tắc phòng, chống tai nạn đuối nước, bảo đảm an toàn cho học sinh. Cùng đó trường, lớp liên tục tổ chức giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước với nhiều hình thức…

“Nhà trường tổ chức phổ cập bơi cho học sinh khối 3 trên tinh thần tự nguyện. Sau khi thông báo đến phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm tiếp nhận đăng ký và phối hợp tổ chức cho các em học bơi 12 buổi tại Trung tâm Thể dục thể thao TP Thủ Đức. Học sinh nào có thành tích tốt sẽ được cấp giấy chứng nhận phổ cập bơi. Năm học 2022 - 2023, khối 3 có 175 em tham gia. Sau khóa học hầu hết các em nắm rõ kỹ năng và bơi thành thạo”, cô Minh cho hay.

Tương tự, tại Bình Dương các trường thuộc hệ thống Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm đã tăng cường dạy bơi kết hợp kỹ năng an toàn khi bơi cho học sinh qua tiết thể dục, tự chọn, sinh hoạt câu lạc bộ, nội trú. Qua đó, giúp học sinh biết và vận dụng những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trong cuộc sống để bảo vệ bản thân.

Thầy Võ Thiện Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Ngô Thời Nhiệm, trao đổi: Tất cả các trường thuộc hệ thống đều có cơ sở vật chất dạy bơi nên học sinh từ bậc mầm non, tiểu học đến THPT đều được học bơi. Hàng năm, nhà trường kiểm tra, cấp chứng nhận phổ cập bơi. Ngoài mục tiêu phổ cập bơi an toàn, trường đặc biệt chú trọng phát triển thể chất học sinh.

“Chương trình dạy bơi được xây dựng riêng cho mỗi khối lớp. Vì vậy, học đến lớp 5, các em đã thành thạo các kỹ năng bơi tự do, bơi sống sót, đứng nước 120 giây và cứu đuối cơ bản. Nhà trường phấn đấu hết năm học 2023 - 2024 tỉ lệ học sinh các cấp biết bơi đạt 60% tiểu học, 80% THCS, 80% THPT”, thầy Tâm cho hay.

Không để đuối nước thành nỗi đau thường trực ảnh 1

Học sinh được thầy giáo hướng dẫn cách khởi động trước khi xuống bể tập bơi.

Thúc đẩy thực hành

Ngay khi kết thúc năm học, Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) đã đồng ý để một đơn vị dạy bơi lắp đặt hệ thống bể bơi thông minh tại sân trường. Phụ huynh nào có nhu cầu cho con tham gia khóa học có thể chủ động, tự nguyện đăng ký. Bể bơi được lắp đặt công phu, hiện đại và có thể tổ chức cho vài chục học sinh tham gia học theo giờ; dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh tiểu học, THCS, THPT thậm chí cả người lớn hiệu quả, tiện lợi.

Chị Hoàng Thị Huệ (TP Thanh Hóa) đăng ký cho con gái tham gia khóa học bơi cơ bản ở Trường Tiểu học Minh Khai 1, cho biết: Nhận được thông tin khóa dạy bơi với bể thông minh tại sân trường, tôi đã đăng ký luôn cho con. Buổi đầu tiên đến học, con đã hào hứng và mạnh dạn tham gia. Các thầy giáo tận tình chỉ dạy cho học sinh từng động tác khởi động, cách tập lấy hơi dưới nước và những động tác cơ bản cần thiết ban đầu.

“Năm ngoái, con đi học bơi nhưng vì còn nhỏ, lại chưa quen môi trường nước trong bể bơi trung tâm thể dục thể thao ở thành phố nên khi tiếp cận hơi nhút nhát, không dám xuống nước. Năm nay, con đã lớn và mạnh dạn nên vào lớp học bơi đã tiếp thu và bắt nhịp nhanh cùng bạn. Các thầy giáo dạy bơi đầy trách nhiệm, bài bản trong dạy bơi nên tôi hy vọng con sẽ bơi thành thạo sau khóa học”, chị Huệ chia sẻ.

Cũng theo chị Huệ, mô hình dạy bơi bằng hệ thống bể thông minh đặt tại sân trường tạo hứng thú cho trẻ bởi nếu không có bạn cùng học chung ở trường, lớp, trẻ sẽ cảm thấy xa lạ, rụt rè. “Khi đến lớp học bơi thấy bạn bè thân quen, trẻ sẽ cảm nhận môi trường học tập thân thuộc, thoải mái và đua nhau học. Mặt khác, mô hình khá an toàn cho trẻ tập bơi nên phụ huynh cũng thấy yên tâm…”, chị Huệ tâm sự.

Không để đuối nước thành nỗi đau thường trực ảnh 2

Tiết học bơi của học sinh Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (cơ sở tỉnh Bình Dương).

Cô Đào Thị Yên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 1 - cho biết: “Sau khi kiểm tra hồ sơ năng lực, giấy phép hành nghề, điều kiện cần và đủ về khả năng dạy bơi cho học sinh, nhà trường đã báo cáo Phòng GD&ĐT, xin chủ trương mở khóa dạy bơi tại sân trường. Được Phòng GD&ĐT đồng ý, trường đã tạo điều kiện cho đơn vị dạy bơi lắp đặt hệ thống bể bằng bạt, mái che và các điều kiện cần thiết, để học sinh sớm được tham gia khóa học.

Từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 8, học sinh đăng ký học bơi sẽ được giáo viên của trung tâm tận tình chỉ dạy. Đây được xem như khóa học kỹ năng thiết thực giúp học sinh tăng cường các kỹ năng phòng, chống đuối nước trong mùa Hè”, cô Yên thông tin.

Còn tại xã biển Long Hòa, huyện Cần Giờ (TPHCM) với địa bàn nhiều ao hồ, sông, rạch, người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản nhưng dịp nghỉ hè, học sinh rất ít sân chơi để tăng cường các kỹ năng phòng, chống đuối nước. Trước thực tế này, từ năm 2021, Chi đoàn Đồn Biên phòng Long Hòa (Bộ đội Biên phòng TPHCM) phối hợp với Đoàn xã tổ chức mô hình “Lớp dạy bơi, phòng chống đuối nước cộng đồng” cho trẻ độ tuổi tiểu học. Lớp dạy bơi không chỉ giúp các em nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng phòng tránh đuối nước, mà còn là hoạt động thể thao ý nghĩa, sân chơi an toàn, bổ ích.

Để có cơ sở vật chất dạy bơi cho trẻ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa đã vận động Ban Quản lý khu du lịch Phương Nam hỗ trợ hồ bơi. Sau đó, Đồn phối hợp với đoàn viên xã, giáo viên giáo dục thể chất tham gia dạy bơi, chống đuối nước cho trẻ trong thời gian 1 tháng.

Trung tá Hoàng Vĩnh Đại, Chính trị viên Đồn Biên phòng Long Hòa, cho biết “Lớp dạy bơi, phòng chống đuối nước cộng đồng” trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản để nếu không may gặp nạn có thể cứu mình; hướng dẫn các kỹ năng đảm bảo an toàn dưới nước, sơ cứu người bị đuối nước; lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ; tuân thủ quy định bể bơi, cảnh báo nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước trên địa bàn...

“Đơn vị phối hợp tổ chức dạy bơi miễn phí cho 40 - 50 em. Mong rằng qua đợt học bơi, sẽ giúp trẻ nắm rõ cách phòng, chống tai nạn đuối nước, tăng cường kỹ năng sống, nhận biết mối nguy hại… từ đó chủ động thích nghi với đặc điểm tự nhiên tại địa phương”, Trung tá Hoàng Vĩnh Đại chia sẻ.

Không để đuối nước thành nỗi đau thường trực ảnh 3

Cán bộ Đồn Biên phòng Long Hòa hướng dẫn trẻ sơ cứu người bị đuối nước.

Chính quyền vào cuộc

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 8 trẻ em tử vong (trong đó, tháng 4 có ít nhất 4 học sinh). Nguyên nhân các vụ tai nạn được xác định do học sinh rủ nhau ra bãi biển, khu vực sông, kênh, suối, ao, hồ... chơi và xuống tắm. Tuy nhiên, cũng cần nhắc tới thực tế bất cập trong công tác phòng, chống đuối nước hiện nay là lực lượng làm công tác cứu nạn, cứu hộ tại xã, phường, thị trấn thiếu rất nhiều. Các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ cứu hộ… cũng thô sơ, hạn chế.

Đáng nói, nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa chưa quan tâm tới việc khảo sát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nguy cơ xảy ra đuối nước tại khu vực sông, suối, hồ, đập, bãi biển. Nhiều gia đình có ao, hồ nhưng không làm tốt việc bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ...

Trước tình trạng trên, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn khẩn về vấn đề này. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở LĐ,TB&XH, Sở GD&ĐT phối hợp các đơn vị tổ chức hoạt động dạy bơi an toàn, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em toàn tỉnh.

Đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện lắp đặt biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước. Làm rào chắn đối với ao, hồ tại cộng đồng dân cư, công trình công cộng. Huy động, vận động cơ quan, tổ chức xã hội và gia đình tăng cường tổ chức dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước để bảo vệ an toàn cho trẻ.

Các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em, để nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, quản lý, giám sát, trông giữ con em an toàn, đặc biệt trong dịp hè...

Thường xuyên giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết biển cảnh báo, nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn, kỹ năng tự bảo vệ an toàn giao thông, an toàn môi trường nước trong các giờ học về giáo dục thể chất, sinh hoạt ngoại khóa tại trường học.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm đầu tư kinh phí, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở vui chơi, giải trí hiện có (như nhà văn hóa, trường học, sân thể thao, điểm vui chơi dành cho trẻ em…) để tổ chức cho trẻ em sinh hoạt, vui chơi an toàn trong kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em (đặc biệt là phòng, chống đuối nước). Chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn đuối nước gây tử vong đối với nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng. Xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em.

“Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã, đang triển khai nhiều hoạt động giáo dục tuyên truyền, phòng chống đuối nước, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cao. Các nhà trường phối hợp với doanh nghiệp có bể bơi thông minh triển khai lắp đặt tại trường học để tổ chức lớp dạy bơi cho học sinh, trẻ em trên địa bàn. Bên cạnh các kỹ năng bơi cơ bản, các lớp đều tổ chức cho học sinh được thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu”. - Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa

Bài liên quan
Gấp rút phòng, chống đuối nước trước hè
Thời điểm này các địa phương, trường học đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống đuối nước...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để đuối nước thành nỗi đau thường trực