Không để nghỉ hè thành… học kỳ 3

24/05/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Làm sao để có một kỳ nghỉ bổ ích cho các em đòi hỏi nhà trường, gia đình quan tâm và có kế hoạch khoa học.

Nhà trường tạo sân chơi

Tại Trường Mầm non Tân Mai (Hà Nội), trong các cuộc họp phụ huynh cuối năm, bố mẹ, gia đình đều mong muốn và đề xuất gửi con dịp nghỉ hè. Với đặc thù lứa tuổi chưa thể chủ động trong sinh hoạt, vui chơi tại nhà mà không có người trông nom nên Ban giám hiệu đã căn cứ vào nhu cầu của phụ huynh để có phương án nhận trẻ và tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm… phù hợp.

Cô Nguyễn Bích Ngọc - Hiệu trưởng - cho biết: “Dựa trên số lượng trẻ đi học, nhà trường sẽ lập lớp, xây dựng kế hoạch học tập, giảng dạy và các hoạt động vui chơi... Chúng tôi vẫn phân lớp theo độ tuổi để giáo viên tiện chăm sóc và tổ chức các hoạt động trong lớp phù hợp. Ngoài ra, trẻ sẽ được rèn lại các kỹ năng còn yếu trong năm học, các nội dung giảng dạy đều mang hình thức vừa học, vừa chơi để trẻ có tâm lý thoải mái, không uể oải hay đòi ở nhà cùng anh chị…”.

Để đa dạng hóa hoạt động hè, tạo điều kiện cho trẻ được thụ hưởng, trải nghiệm và phát triển toàn diện… Trường Mầm non Tân Mai còn liên kết với trung tâm văn hóa quận, trung tâm ngoại ngữ mở các lớp năng khiếu múa, hát, người mẫu, vẽ; nhảy Dancesport, múa hiện đại, thiết kế thời trang, chơi mà học tiếng Anh... Việc học sinh có tham gia hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của gia đình, phụ huynh mà không hề có sự gợi ý hay bắt buộc.

Còn tại Trường phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội), nhà trường tổ chức chương trình trại hè Phenikaa School năm 2023. Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa - trao đổi: “Chúng tôi xây dựng trại hè theo từng cấp học để có hoạt động phù hợp lứa tuổi. Đơn cử, ở tiểu học có 4 trại với các chủ đề: Khoa học, thông thái, sáng tạo, tài năng; trung học có 5 trại: Khoa học, nghệ thuật, ẩm thực, thời trang, sinh tồn...”.

Theo đó, với trại sinh tồn, học sinh được học kỹ năng sinh tồn - chìa khóa của sự sống; thực hành cách tạo và giữ lửa; cách tìm nơi trú ẩn cùng nhiều thử thách khác… nhằm rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hiện đại. Cùng đó, trường sẽ tổ chức các chuyến đi dã ngoại để học sinh đưa kiến thức được học áp dụng vào thực tế. Ngoài các hoạt động chính, trong mỗi trại hè, nhà trường sẽ lồng ghép các hoạt động học tập, phát triển kỹ năng học ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ mới, rèn luyện kỹ năng giao tiếp…

“Các buổi sinh hoạt được nhà trường tổ chức thường xuyên trong quá trình trẻ tham gia sinh hoạt trại hè, qua đó học sinh và giáo viên cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Ngoài ra, học sinh của mỗi trại hè còn được trải nghiệm hoạt động thể thao, nghệ thuật, sáng tạo (vẽ tranh hiện đại), các dự án làm phim”, ông Tuấn cho biết.

Không để nghỉ hè thành… học kỳ 3 ảnh 1

Một tiết học của cô trò Trường Mầm non Tân Mai (Hà Nội). Ảnh NTCC

Cùng con lên kế hoạch

Với quan niệm, nghỉ hè con trẻ phải được tạm rời xa sách vở, bài tập để thư giãn, làm những điều mà bản thân thích, gia đình chị Võ Thị Ngọc (TX Cửa Lò, Nghệ An) chủ động cùng con lên kế hoạch nghỉ hè ngay sau khi thi kết thúc học kỳ 2.

Chị Ngọc chia sẻ: “Thời gian nghỉ hè là cơ hội để tôi gần gũi, dạy kỹ năng sống, cách chia sẻ, quan tâm đến gia đình, người xung quanh cho con. Gia đình có kinh doanh một quán ăn nhỏ, vào buổi sáng con sẽ phụ giúp tôi một số việc như thu ngân, pha chế, bưng bê, rửa bát, quét dọn. Xen kẽ giữa các hoạt động học, rèn kỹ năng sống, con sẽ được chơi cờ, rubik, vẽ, đàn hát, xem phim để giải trí. Đến tháng 8, gia đình dự định đi du lịch 1 - 2 tuần trước khi con chính thức vào năm học mới”.

Chị Đặng Thị Thảo (Ninh Bình), có con trai 9 tuổi, mùa Hè này chị cho con tham gia khóa học bơi 2 tháng; đầu tháng 8 bé sẽ bắt đầu kế hoạch ôn lại kiến thức, chuẩn bị đón năm học mới. “Mong muốn tham gia khóa bơi sẽ giúp con vừa được giải trí, đồng thời được trang bị kỹ năng sinh tồn, chống đuối nước, rèn luyện thể chất…”, chị Thảo chia sẻ.

Với những phụ huynh có con ở độ tuổi mẫu giáo như chị Phùng Thị Ngọt (Thanh Xuân, Hà Nội) thì quyết định đăng ký cho con học hè tại trường là lựa chọn phù hợp. Chị Ngọt trao đổi: “Ông bà nội, ngoại ở xa, hai vợ chồng vẫn phải đi làm. Đưa tới trường thời gian hè, con được các cô dạy lại các kỹ năng còn yếu trong năm học. Mặt khác, các câu lạc bộ năng khiếu do nhà trường liên kết tổ chức, nếu bố mẹ cho con theo học cũng yên tâm hơn cả về chất lượng, hiệu quả…”.

Trước vấn đề học hè sao cho hiệu quả, bổ ích, bác sĩ Ninh Thị Phương Mai – Khoa Nhi, Bệnh viện E trao đổi: “Trong năm học, lịch học dày đặc khiến học sinh căng thẳng, mệt mỏi. Vì vậy, nghỉ hè là khoảng thời gian quan trọng giúp các em cân bằng tâm lý, vui chơi để phát triển toàn diện. Do đó, với gia đình bận rộn, không có nhiều thời gian bên con, phụ huynh có thể xem xét lựa chọn các khóa học kỹ năng hay trại hè do nhà trường hoặc tổ chức uy tín tổ chức...”.

TS Vũ Việt Anh, chuyên ngành Tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội), cho rằng trại hè mang lại giá trị hữu ích cho học sinh trong đó phát triển tốt các kỹ năng xã hội. Cả năm các em học với thầy, cô, bạn bè nên hình thành thói quen làm nhóm, ít va chạm, lúng túng trước tình huống cần xử lý. Đến trại hè học sinh sẽ được tiếp cận với môi trường mới giúp phát triển tư duy xã hội, hợp tác nhóm; học cách tôn trọng ý kiến người khác, giải quyết các vấn đề, trình bày ý kiến quan điểm...

Tuy nhiên, TS Vũ Việt Anh lưu ý, để phát huy giá trị trại hè, không để học sinh bị áp lực trước các khóa học năng khiếu, căng thẳng như bước vào học kỳ 3… thì nhất thiết phụ huynh phải căn cứ vào lứa tuổi, tâm lý, năng lực của con cũng như các nội dung, hoạt động, kinh nghiệm đơn vị tổ chức, độ an toàn địa điểm trại hè... để lựa chọn đăng ký.

“Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, có khoảng 46% học sinh THCS và 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và TPHCM không vận động đủ theo tiêu chuẩn - những số liệu đáng báo động này cho thấy hiện trạng lười vận động của trẻ em Việt Nam. WHO khuyến cáo trẻ em, thanh thiếu niên từ 5 – 17 tuổi cần dành mỗi tuần ít nhất 60 phút cho hoạt động thể chất… Do đó, thời điểm nghỉ hè phù hợp để gia đình giúp con có kế hoạch nghỉ hè hợp lý, hạn chế tình trạng nhốt trẻ trong nhà xem tivi, chơi điện tử… suốt 3 tháng hè”, bác sĩ Ninh Thị Phương Mai cho biết.

Bài liên quan
Lịch NGHỈ HÈ của học sinh 63 tỉnh thành
Thời gian kết thúc năm học, học sinh nghỉ hè được nêu rõ trong Khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để nghỉ hè thành… học kỳ 3