Không để 'nước đến chân mới nhảy'

17/05/2023, 13:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giai đoạn 2022 - 2025, công tác tuyển sinh cơ bản giữ ổn định như hiện nay.

Tuy nhiên, từ năm 2025 trở đi công tác tuyển sinh sẽ như thế nào? Đây là vấn đề đang được nhiều phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội quan tâm.

Nhiều người cho rằng, sẽ là quá sớm khi đặt vấn đề về công tác tuyển sinh từ năm 2025 trở đi. Song, không phải ngẫu nhiên vấn đề này lại được dư luận quan tâm sâu sắc. Bởi lẽ, năm 2025 là năm tuyển sinh đầu tiên lứa học sinh tốt nghiệp THPT theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Nghĩa là, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng dành cho học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Ngoài ra, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT. Theo logic thì công tác tuyển sinh sẽ tác động đến số học sinh này. Vì những lẽ đó, nên công tác tuyển sinh, nhất là giai đoạn từ năm 2025 trở đi càng nhận được sự quan tâm của dư luận.

Do vậy, hơn bao giờ hết, các cơ sở giáo dục đại học cần sớm xây dựng phương án tuyển sinh để kịp thời công bố sớm cho thí sinh và xã hội nắm bắt; từ đó chủ động tâm thế đón nhận những thay đổi (nếu có); không rơi vào tình cảnh bị động, bất ngờ, dẫn đến những sơ suất không đáng có. Đây cũng là chỉ đạo chung của lãnh đạo Bộ GD&ĐT đối với nhóm nhiệm vụ về công tác tuyển sinh trong giai đoạn tới.

Vẫn biết, tuyển sinh là câu chuyện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Song tự chủ càng cao, trách nhiệm giải trình càng lớn. Theo đó, “nhất cử, nhất động” của các cơ sở đào tạo liên quan đến tuyển sinh đều được dư luận quan tâm, theo sát. Thứ nữa, năm 2025 được ví như “nút giao” chuyển tiếp cái cũ sang cái mới nên càng cần có những bước đi thận trọng và chắc chắn, tránh vội vàng, hấp tấp và càng không nên để “nước đến chân mới nhảy”.

Lẽ thường, cái mới bao giờ cũng được quan tâm nên chỉ cần một chút sơ suất do lỗi chủ quan là có thể chuyển thành “công cốc”, thậm chí để lại những hậu quả khôn lường. Vì thế, các trường càng chủ động, thận trọng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Cần thiết xây dựng phương án tuyển sinh, chuẩn đầu vào từ năm 2025 trở đi và công bố công khai, minh bạch để dư luận được biết. Tất nhiên, vấn đề này cần sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ GD&ĐT bằng các văn bản hướng dẫn để cơ sở đào tạo có “kim chỉ nam” trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực tế, Bộ GD&ĐT vẫn khuyến khích và tôn trọng quyền tự chủ của các trường đại học trong công tác tuyển sinh. Với những cơ sở đào tạo mong muốn tuyển được học sinh có năng lực tốt, đảm bảo chất lượng đầu vào, cần có phương án tổ chức thi để có phương án tuyển sinh riêng, giống như một số cơ sở giáo dục đại học đã và đang làm như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…

Theo các chuyên gia, có thể hình thành các cụm trường đại học sẽ tổ chức thi theo mục tiêu, mục đích riêng, chẳng hạn như: Khối ngành y dược, sư phạm, kỹ thuật, kinh tế có thể tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào.

Tổ chức kỳ thi riêng từng nhóm trường theo hướng gọn nhẹ, thuận lợi cho thí sinh cũng là gợi ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Muốn vậy, các trường đại học phải chủ động, cùng “xắn tay” vào việc chứ không thể ngồi chờ và ỷ lại vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bài liên quan
Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học năm 2024
Để triển khai công tác tuyển sinh đại học năm 2024, các Sở GD&ĐT có trách nhiệm hỗ trợ thí sinh ĐKXT đợt 1 theo phương thức trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để 'nước đến chân mới nhảy'