Không để thiếu sách giáo khoa trước năm học mới

03/08/2023, 12:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bên cạnh quan tâm chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa trước năm học mới, việc phòng tránh sách giáo khoa giả cũng được các sở GD&ĐT lưu ý.

Đa dạng hình thức cung ứng sách giáo khoa

Bộ GD&ĐT đã có văn bản số 3379/BGDĐT-GDTrH về việc phối hợp chỉ đạo cung ứng sách giáo khoa phục vụ năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo gửi UBND các tỉnh/thành. Trong đó đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT khẩn trương tổng hợp, đăng ký nhu cầu sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 với các nhà xuất bản trước 15/7; phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GSPT 2018.

Cùng với đó, UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cung ứng sách giáo khoa đa dạng các hình thức (phát hành đến các cơ sở giáo dục, hiệu sách, nhà sách trên địa bàn…) để học sinh, giáo viên thuận lợi tiếp cận, mua sách giáo khoa kịp năm học mới. Có giải pháp hỗ trợ, cung ứng sách giáo khoa đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo… phục vụ năm học 2023-2024 và các năm học tiếp theo. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ sách giáo khoa, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh; tuyên truyền, xây dựng ý thức giữ gìn sách giáo khoa để sử dụng được lâu dài.

Văn bản của Bộ GD&ĐT cũng lưu ý việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục phổ thông; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định những đơn vị, cá nhân vi phạm.

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết, từ tháng 5/2023, Sở GD&ĐT đã thông tin kết quả lựa chọn sách giáo khoa đến các Nhà xuất bản, phối hợp xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy khối 4, 8 và 11. Trong tháng 6, Sở GD&ĐT phối hợp Nhà xuất bản tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy lớp 4, 8 và lớp 11 sử dụng sách giáo khoa theo từng môn học.

Tại Tiền Giang, việc cung ứng sách giáo khoa đã được làm tốt qua các năm, không để học sinh nào không có sách giáo khoa phục vụ học tập. Hiện sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 đã được các nhà trường tổ chức cho phụ huynh đăng ký sớm. Địa phương có phong trào anh chị lớp trên bảo quản sách giáo khoa tặng các em lớp dưới dịp cuối năm học, góp phần tiết kiệm cho phụ huynh và xã hội.

“UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao trách nhiệm cho Sở GD&ĐT tổng hợp nhu cầu, kịp thời đăng ký số lượng sách giáo khoa với các nhà xuất bản theo đúng tiến độ; phối hợp tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho đội ngũ giáo viên của tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho việc cung ứng sách giáo khoa đa dạng về hình thức, để học sinh, giáo viên thuận lợi tiếp cận chuẩn bị cho năm học mới; có giải pháp hỗ trợ việc cung ứng sách giáo khoa đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, ông Lê Quang Trí chia sẻ.

Không để thiếu sách giáo khoa trước năm học mới  ảnh 1
Cung ứng đủ sách giáo khoa là một trong những nội dung quan trọng chuẩn bị cho năm học mới.

Phòng tránh mua và sử dụng sách giáo khoa giả

Theo thông tin từ các Nhà xuất bản, thực tế hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một số đầu sách của các Nhà xuất bản được phép xuất bản sách giáo khoa bị in giả (sách giả) và được tiêu thụ trên thị trường.

Sách giả được các đối tượng chào bán với chiết khấu cao (do không phải trả các chi phí bản quyền, nhuận bút, phí quản lý..., đặc biệt là trốn thuế) kích thích các nhà sách, các cơ sở giáo dục, trường học nhận về bán chung với sách thật để kiếm lời (trong khi sách thật chi phí khâu lưu thông thấp hơn).

Sách giả được làm khá tinh vi về hình thức, rất giống sách thật. Tuy nhiên, do chất lượng in kém và đặc biệt có nhiều sai sót về nội dung dẫn đến việc tiêu thụ, sử dụng sách giả ảnh hưởng đến việc giảng dạy của các cơ sở giáo dục, việc học tập của học sinh và việc đảm bảo nội dung chương trình giáo dục.

Trước thực trạng này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, rà soát thiết lập, lưu trữ hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa; thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, rà soát, ngăn chặn, phòng chống sách giả tại đơn vị.

Cùng với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong việc liên hệ mua sách tại các địa chỉ uy tín, đáng tin cậy để phòng tránh việc mua và sử dụng sách giáo khoa giả, ảnh hưởng đến nội dung chương trình giáo dục.

Sở GD&ĐT đồng thời công bố đường dây nóng và yêu cầu trường hợp phát hiện các cơ sở, tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh, tiêu thụ sách giả, các đơn vị, trường học kịp thời báo cáo về Sở GD&ĐT để phối hợp với các cơ quan, chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với năm học mới 2024 -2025. Trong đó thông tin, đơn vị đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện từ ngày 1/7/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để thiếu sách giáo khoa trước năm học mới