Theo nhận định của ngành Y tế TPHCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài 3 - 4 tháng tới. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục thành phố, các địa phương, chỉ đạo trường học triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm hạn chế số ca mắc, lây nhiễm chéo trong trường học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân, phụ huynh để hạn chế số ca mắc, không để trường học trở thành ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Sốt xuất huyết và tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy công tác phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), dù số ca mắc tay chân miệng trên toàn thành phố giảm nhưng vẫn ở mức cao nên phụ huynh không được lơ là, chủ quan. Đặc biệt, thời điểm học sinh đến trường tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại.
Để bảo vệ trẻ trước dịch tay chân miệng, phụ huynh cần thực hiện nguyên tắc 3 sạch. Trẻ cần được ăn uống sạch, ở sạch (được rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống sạch) và chơi sạch (đồ chơi cần được vệ sinh thường xuyên). “Yếu tố vệ sinh rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng cũng như nhiều bệnh lây nhiễm khác”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, học sinh quay lại trường học sẽ tiếp xúc với nhau nhiều hơn, nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng vì thế tăng cao. Vậy nên, giáo viên cần được tập huấn, trang bị kiến thức liên quan tới dịch bệnh, cách phòng bệnh và dấu hiệu phát hiện bệnh sớm để có thể ứng phó và kiểm soát dịch tốt nhất. Ngoài ra, các trường học nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sinh hoạt, học tập và đồ chơi cho trẻ.
“Ngay khi phát hiện trẻ xuất hiện các triệu chứng cảnh báo như sốt, nổi hồng ban lòng bàn tay chân, loét miệng, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
“Thời điểm học sinh TPHCM tựu trường được xác định là đỉnh dịch lần thứ 2 của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết. Vì vậy các cơ sở giáo dục cũng như phụ huynh cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng. TPHCM duy trì thường xuyên các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, trung tâm y tế và một số cơ sở khám chữa bệnh để cha mẹ đưa trẻ đến tiêm chủng mũi tiêm còn thiếu, mũi nhắc lại nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi bước vào năm học mới”, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM trao đổi.