Ông Eduardo González tại Trường Kiến trúc ở Madrid (Tây Ban Nha) nhận xét: “Đây là những tòa nhà có khả năng thẩm thấu, dựa trên sự chuyển động của không khí tự nhiên và bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Ví dụ, chúng được xây dựng với những bức tường rất chắc chắn và mái nhà nhẹ để không khí mát mẻ đi vào từ bên dưới sẽ đẩy không khí nóng phía trên ra ngoài”.
Một sự đổi mới đặc biệt khéo léo là việc kiến trúc sư Kéré sử dụng ý tưởng cổ xưa về mái kim loại được nâng cao và mở rộng. Các phòng của trại trẻ mồ côi Noomdo được bao phủ bởi mái cong hình trụ nông, nằm trên dầm bê tông nhưng có khe hở. Phía trên có tấm kim loại bảo vệ mái khỏi nắng, mưa trực tiếp và tạo điều kiện để không khí nóng thoát ra.
Ông González cho biết, kỹ thuật nói trên cũng được áp dụng trong kiến trúc bản địa của Vịnh Ba Tư. Tại Burkina Faso, kiến trúc sư Kéré đã tích hợp vào các dự án của mình và “mang đến cho kỹ thuật này một hình ảnh đương đại”.
Thiết kế của trại trẻ mồ côi Noomdo cũng chú ý đến quyền riêng tư của người sử dụng, hầu hết là trẻ vị thành niên sống trong hoàn cảnh cực kỳ dễ bị tổn thương. Có hai ký túc xá riêng dành cho nam và nữ, với ban quản lý là cầu nối giữa hai bên.
Để duy trì sự riêng tư và an ninh của trẻ, tòa nhà được thiết kế với 3 khu vực có thể quan sát được. Đầu tiên là cửa vào, nơi bố trí phòng sinh hoạt chung và phòng bếp. Phía sau có không gian chung bên trong, nơi chỉ được vào khi được cho phép và cuối cùng là sân trong của ký túc xá.
Gần đó, khu phức hợp trường học do kiến trúc sư Albert Faus thiết kế tại làng Youlou cũng sử dụng những cách tương tự để làm mát. Khu phức hợp này là một không gian mở, có đủ các cấp từ mẫu giáo đến trung học, bao gồm cả trường chuyên nghiệp.
Công trình được xây bằng gạch làm từ đá ong có nguồn gốc từ địa phương. Đá ong được tạo hình bằng khuôn, phơi khô dưới nắng và trở thành viên gạch có màu đỏ rất đậm. “Học sinh không kêu ca ‘Trời nóng quá’ và muốn về nhà bởi các em cảm thấy thoải mái và có thể tập trung trong lớp học”, cố vấn giáo dục Ousmane Soura của trường nói.
Bên cạnh đó, kiến trúc sư Albert Faus cũng cố gắng giảm thiểu việc vận chuyển vật liệu và sử dụng vật liệu tại địa phương, ngay cả các công nhân mỏ đá cũng đến từ khu vực này.
“Đó là một vật liệu rất đẹp. Khi các gia đình nhìn thấy các tòa nhà, họ muốn con cái mình đến trường”, bà Soura cho hay. Thậm chí, có những thanh thiếu niên gặp nhau trong lớp để nói chuyện sau giờ học hoặc trong kỳ nghỉ.
Bà Soura chia sẻ thêm: “Học sinh có thể đến học vào ban đêm và sạc điện thoại do có ánh sáng nhờ các tấm pin năng lượng mặt trời. Các em trung hơn vì nhiệt độ dễ chịu trong lớp. Nếu học sinh, ban giám hiệu và giáo viên giảng dạy và học tập tốt, môi trường trong lớp thuận lợi thì kết quả sẽ tốt hơn. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, nếu lớp học quá nóng thì tất cả đều cảm thấy mệt mỏi”.
Guardian dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Phi cho hay, tính đến cuối năm 2020, Burkina Faso đứng thứ 184 trong số 191 quốc gia về Chỉ số phát triển con người và chỉ có 22,5% dân số nước này được sử dụng điện.