Không dùng ngữ liệu SGK ra đề thi Ngữ văn: Băn khoăn vênh, lệch quan điểm giữa thầy và trò

22/12/2023, 11:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ môn Ngữ văn trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được kỳ vọng sẽ xoá bỏ được cách học vẹt, học tủ, học văn mẫu của học sinh bởi yêu cầu của Bộ GD&ĐT khi kiểm tra, đánh giá không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Vấn đề đặt ra là tiếp cận một trích đoạn hay tác phẩm mới, liệu giáo viên có chấp nhận các quan điểm, góc nhìn khác của học sinh?

Cách nào hạn chế vênh, lệch?

Cô Đỗ Bích Hạnh cho rằng, để không có sự vênh lệch quá lớn giữa người chấm và người học, không có cách nào khác ngoài dạy kỹ năng để học sinh có thể áp dụng cho tất cả các dạng bài. Tuy nhiên, giáo viên không mở quá xa mà sử dụng ngữ liệu theo từng dạng chủ đề như: tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước…, tránh gây bất ngờ, gây sốc cho học sinh. Trước khi chấm bài, thầy cô trong tổ chuyên môn phải thảo luận, xây dựng đáp án, ba - rem điểm, trong đó tôn trọng sự sáng tạo của học sinh. Có những bài, học sinh có góc nhìn, quan điểm khác biệt, thầy cô phải đưa ra chấm chung. Tuy nhiên, mỗi trường học có thể có cách làm khác nhau, có nơi giáo viên thừa nhận, bài kiểm tra trên lớp phụ thuộc quan điểm của giáo viên đứng lớp rất nhiều. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học Ngữ văn của học sinh.

“Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo, quản lí về chuyên môn với các kì thi khác nhau ở bậc phổ thông. Bộ không nên “ôm” tất cả các kì thi, nhưng không có nghĩa là buông quản lí nhà nước về chuyên môn và chất lượng dạy học. Những kì thi từ học sinh giỏi các khối lớp đến thi vào lớp 10 của các địa phương cần phân cấp, nhưng về chuyên môn không thể mỗi địa phương ra đề mỗi kiểu và yêu cầu rất khác nhau, bất chấp chuẩn chương trình, thậm chí không liên quan gì đến chương trình, người ra đề thích gì ra nấy; nhân danh ra đề cho học sinh giỏi và đề mở để thả sức bay bổng, thoát li đến mù mịt... Nhiều đề thi lạ đến mức khó hiểu, đánh đố học sinh, để lại dư âm, dư luận không tốt”.

PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình GDPT mới Bộ môn Ngữ văn

Cô Phạm Thái Lê cho rằng, đổi mới kiểm tra, thi cử đòi hỏi người chấm và xây dựng đáp án, biểu điểm phải hình dung được hết cách giải quyết của học sinh thay vì áp quan điểm người lớn vào bài và yêu cầu các em đạt được. Để làm được điều này, cần có sự đồng bộ trong quan điểm từ chỉ đạo đến triển khai, tránh có sự vênh lệch quá lớn, nhất là đối với các kỳ thi quan trọng.

Cô Lê đề xuất, đối với các kỳ thi quan trọng, cần thay đổi cấu trúc đề, cơ cấu điểm trong bài thi. Trong đó, về cấu trúc đề, phần nghị luận xã hội chiếm ít nhất 5 điểm. Phần nghị luận văn học nhiều nhất 5 điểm, trong đó điểm đọc hiểu ít hơn (chỉ khoảng 2 điểm) và bài viết nhiều hơn (khoảng 3 điểm). Về cách chấm bài, với bài nghị luận văn học, nếu đáp án có 5 ý, học sinh làm được 2 ý thì chấm điểm tối đa (của quỹ điểm nội dung câu đó). Cô nhấn mạnh việc không được đòi hỏi trò làm đủ ý của thầy mới cho điểm tối đa.

“Phần viết của cả hai dạng bài, cần chú trọng chấm về cách dùng từ ngữ, cách đặt câu, cách lập luận, cách tổ chức văn bản và sắp xếp ý. Tức là tập trung đánh giá năng lực biểu đạt, cái đích của dạy và học Ngữ văn trong nhà trường. Áp dụng 2 điều trên vào việc ra đề, chấm thi thì mục tiêu của chương trình 2018 mới thực sự hiệu quả”, cô Lê nói.

Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/khong-dung-ngu-lieu-sgk-ra-de-thi-ngu-van-ban-khoan-venh-lech-quan-diem-giua-thay-va-tro-c216a1529326.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/khong-dung-ngu-lieu-sgk-ra-de-thi-ngu-van-ban-khoan-venh-lech-quan-diem-giua-thay-va-tro-c216a1529326.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không dùng ngữ liệu SGK ra đề thi Ngữ văn: Băn khoăn vênh, lệch quan điểm giữa thầy và trò