Trong bối cảnh hiện nay, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngoài 3 trụ cột trên thì thanh niên Việt Nam cũng như xu hướng thế giới đang phải đối đầu với 4 chuyển đổi, nếu không nắm bắt sẽ tụt hậu.
Chuyển đổi thứ nhất là chuyển đổi công nghệ (hay nói trọng tâm là chuyển đổi số). Nó chính là cơ hội đưa Việt Nam vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ở lĩnh vực cần có sự thay đổi về cung cách quản trị quốc gia và thay đổi cách sống, làm việc, đặc biệt đối với giới trẻ.
Thứ hai là chuyển đổi không gian với trọng tâm tăng trưởng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, quá trình tăng trưởng sẽ thúc đẩy đô thị hóa, tạo ra thay đổi về cơ cấu việc làm, điều kiện sống. “Nếu tuổi trẻ Việt Nam không thích ứng nhanh, chúng ta sẽ gặp khó khăn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chuyển đổi thứ ba, là chuyển đổi xanh làm thay đổi mô hình kinh tế. Thứ tư là chuyển đổi xã hội, thích ứng với việc Việt Nam từ dân số trẻ bước sang dân số già. Bộ trưởng Dung phân tích, Việt Nam chưa phải dân số già nhưng đang từ giai đoạn dân số trẻ chuyển sang già nên phải nắm bắt cơ hội dân số vàng, nếu không sẽ tụt hậu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về chính sách, Ban Bí thư đã cho chủ trương ban hành chỉ thị về tăng cường đào tạo nhân lực Việt Nam, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 06 về xây dựng thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hội nhập và hiệu quả.
Theo quan điểm của Bộ trưởng, bên cạnh giáo dục đào tạo kỹ năng đại trà, cần quan tâm vấn đề hạ tầng và đột phá chất lượng nhân lực cao. Đồng thời đưa ra gợi ý nên lấy hệ thống đại học và 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao làm nền tảng bởi muốn chuyển đổi số nhanh, phải đào tạo nhân lực. Theo ông Dung, Việt Nam đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực khu vực công nghệ. Đây là vấn đề cần làm nhanh, bởi muốn đi nhanh phải đào tạo con người.
Bộ trưởng lưu ý cần quan tâm hệ thống chính sách phụ cận. Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 sắp tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc đến mục tiêu xây 1 triệu nhà ở xã hội, phấn đấu đến năm 2030 không còn nhà tạm ở Việt Nam, tạo nền tảng và chăm lo phúc lợi xã hội để công nhân, thanh niên cũng như người lao động trẻ yên tâm cống hiến.
Cũng tại Hội nghị, bổ sung cho câu trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý thị trường lao động luôn biến đổi, kinh tế thị trường luôn tạo ra nhu cầu cạnh tranh nên lao động việc làm cũng được xem là một trong những trụ cột trong ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhắc lại việc thị trường lao động biến đổi theo xu thế, Thủ tướng dẫn chứng giai đoạn trước, chúng ta chủ yếu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, khoáng sản, dầu khí… để phát triển. Nhưng giai đoạn hiện nay, bên cạnh những yếu tố đó, phải dựa vào việc phát triển con người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong xu thế chuyển đổi số len lỏi vào từng góc cạnh cuộc sống, cần có chính sách để đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn…