Chủ tịch CLB Johor Darul Ta’zim của Malaysia thậm chí nhấn mạnh sẽ không nhả người cho ĐTQG nếu không phải để phục vụ dự Asian Cup hoặc World Cup. Đây cũng là lý do Indonesia và Malaysia thường không có được đội hình mạnh dự vài kỳ AFF Cup gần đây.
Và dĩ nhiên, các quốc gia này không dừng hẳn giải VĐQG để nhường chỗ cho đợt tập trung của các đội tuyển.
Trong cuộc phỏng vấn với ZingNews sau khi vô địch AFF Cup, HLV trưởng Mano Polking của Thái Lan tiết lộ ông đã bị nhiều CLB từ chối nhả người. “Tôi thiếu 10 cầu thủ trụ cột”, nhà cầm quân người Brazil nhấn mạnh. Nhưng đấy sau cùng lại là cơ hội để ông Polking tìm thấy những nhân sự tốt từ tệp cầu thủ vốn chỉ là lựa chọn B,C mỗi khi tập trung ĐTQG.
Kritsada Kaman, Peeradon Chamratsamee, Poramet Arjvirai, Weerathep Pompan là những nhân sự như thế. Nhóm cầu thủ này chỉ đá khoảng trên dưới 10 trận (phần lớn là dự bị) cho ĐT Thái Lan cho đến trước khi sắm vai kép chính tại AFF Cup vừa qua.
![]() |
Weerathep là một trong những cầu thủ HLV Polking của Thái Lan "nhặt" được từ những cầu thủ vốn không mấy khi được gọi lên ĐTQG, nhưng được thi đấu đều đặn ở Thai Leauge. Ảnh: Nguyên Khang. |
Tuy nhiên, khi được giao trọng trách, nhóm cầu thủ này vẫn thể hiện được đẳng cấp cao. Việc Thai League được tổ chức thi đấu đều đặn, không ngắt quãng là lý do giúp ông Polking có thể dễ dàng tìm ra những nhân sự tốt. Người Thái chỉ cần một ngôi sao đang ở độ chín là Theerathon Bunmanthan để làm gạch nối giữa các thế hệ. Họ không cần cả một đội hình hùng hậu và quen mặt như Việt Nam.
Điều này quá khó tồn tại ở V.League, khi nhóm cầu thủ lên tuyển gần như được đóng khung sẵn, trong khi nhóm cầu thủ tương tự Kritsada, Peeradon, Poramet, không có cơ hội để chơi bóng theo đúng nghĩa đen khi V.League thường xuyên dừng hoạt động.
Giải VĐQG là xương sống cho sức mạnh của một nền bóng đá. Sự vượt trội của Thái Lan trước Việt Nam không hẳn đến từ trình độ ở cấp độ ĐTQG, mà thực sự đến từ quyền lực, tầm ảnh hưởng của Thai League.
Giải đấu này chưa từng bị cắt ngắn bởi những nguyên nhân chủ quan. Chỉ riêng việc này đã giúp Thai League luôn đảm bảo được sự tiếp nối trong nhịp thi đấu, từ đó luôn tạo ra được phương án B trong các trường hợp cần thiết.
Khả năng sống khỏe của Thai League với cơ chế làm bóng đá chuyên nghiệp cũng giúp tiếng nói của chính những CLB trở nên có sức nặng hơn khi đối mặt xung đột với Liên đoàn bóng đá Thái Lan.
V.League không có được điều này. Và để thay đổi, chuyện chắc chắn cũng không diễn ra trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, không chuyện gì là quá muộn. V.League phải thay đổi và mọi chuyện nên bắt đầu từ việc không để giải đấu ngắt quãng, vì bất kỳ lý do chủ quan nào.