Không phải lúc nào im lặng cũng là… 'vàng'

Kim Thoa | 22/03/2022, 08:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không ít người chọn im lặng khi gặp các tình huống bất đồng quan điểm với người khác. Đây là thuộc tính của những đứa trẻ thiếu kỹ năng và của người trưởng thành thiếu chính kiến.

Ảnh minh họa: INT.Ảnh minh họa: INT.

Bất lợi lớn

Vấn đề dạy trẻ thể hiện chính kiến, dám nói lên suy nghĩ của mình là quan tâm của rất nhiều phụ huynh. Trong các mối quan hệ xung quanh trẻ, từ gia đình, trường học đến nơi công cộng,… luôn giữ thái độ “không ý kiến” được coi là một bất lợi lớn.

Chị Tuyết Mai (Đông Anh, Hà Nội) từng lo lắng nhiều về bé Vy – con gái chị bởi đặc tính nhút nhát, thường không dám phản ứng trước những điều con thấy không hợp lý khi ở trường. Tuy nhiên, may mắn là những “ấm ức” con vẫn có thể mang về kể lại một phần cho mẹ nghe nên chị Mai còn biết để bù đắp kỹ năng cho con.

Đỉnh điểm là câu chuyện xảy ra khi Vy học lớp 3, bạn cùng lớp quên bút và mượn của con nhưng không trả. Khi con đòi thì bạn nói sẽ giữ luôn để dùng với thái độ thách thức. Cô giáo hỏi vì sao khóc, con chỉ im lặng khiến cô không hiểu được con đang gặp vấn đề gì.

Về nhà, Vy cũng không chủ động kể chuyện cho mẹ nghe mà chỉ đến khi chị Mai kiểm tra sách bút của con phát hiện và gặng hỏi thì Vy mới lí nhí kể rời rạc.

Những lần trước, con thiếu bút chì hay cục tẩy đều nói do con làm rơi và cũng nghĩ trẻ con bất cẩn nên chị Mai không để tâm nhiều. Các dụng cụ này mẹ thường mua cả lố cho con dùng dần nên chị không dễ nhận thấy bất thường. Tuy nhiên, lần này là chiếc bút mực, do sợ mẹ mắng vì trước đó mẹ dặn giữ gìn cẩn thận vì bút đắt tiền nên con lo lắng mới nói ra với mẹ.

Vậy là, gần hết kỳ học chị Mai mới biết, các lần mất đồ dùng học tập của con đều là do “bạn mượn”.

Chị hỏi: Con thấy bạn làm thế có đúng không? Con có nói cho bạn biết là bạn làm như thế là sai không?... Với các câu hỏi của mẹ, Vy chỉ lí nhỉ trả lời: Con không ạ.

Chị Mai hơi bất ngờ vì thấy ở nhà con “không đến nỗi nào” mà đến trường để bạn mượn đồ không trả suốt kỳ học. Ngạc nhiên hơn là con không dám tranh luận với bạn cũng không dám chia sẻ quan điểm với cô giáo hay bố mẹ.

Tình huống của bé Vy không hiếm gặp đối với trẻ ở tuổi tiểu học. Đây sẽ là mầm mống của những tình huống bắt nạt học đường nghiêm trọng hơn nếu người lớn không kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Theo cô Phan Hương - giáo viên Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội): Nắm bắt tâm lý học sinh, giáo viên thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích các em nói lên suy nghĩ của mình, phản ánh những sai trái gặp phải. Tuy nhiên, một số em vẫn chưa mạnh dạn nói lên ý kiến của mình dù các em nhận thức được đúng – sai.

Để các em có thể mạnh dạn trong lớp học hay các môi trường khác, rất cần sự quan tâm bồi dưỡng kỹ năng của các bậc phụ huynh. Bố mẹ hãy kiên nhẫn lắng nghe và hỗ trợ trẻ biểu đạt mong muốn của mình.

Bố mẹ hãy lắng nghe con với thái độ chăm chú và biểu thị đồng tình, gật đầu hay những câu tiếp lời như: “Thế à”, “Ừ, con nói tiếp đi”… Điều này giúp con cảm thấy tự tin hơn và tin tưởng rằng bố mẹ đang rất quan tâm đến vấn đề của mình. Tuyệt đối đừng cắt ngang lời trẻ. Bố mẹ nên để cho con được trình bày hết suy nghĩ, sau đó bằng cách nhắc lại một cách tế nhị, hãy uốn nắn những chỗ diễn đạt sai của con.

Điều quan trọng, trong các cuộc tranh luận, bố mẹ hãy cổ vũ trẻ mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình một cách phù hợp. Hãy dạy trẻ bảo vệ đến cùng những cái đúng.


Ảnh minh họa: INT.

Rèn cho con tính quyết đoán

Các chuyên gia cho rằng, sự quyết đoán có thể giúp ích không nhỏ cho các mối quan hệ của trẻ sau này, cho dù đó là mối quan hệ công việc hay tình cảm.

Thực tế, việc phản bác ý kiến của người khác trong tranh luận là yêu cầu khá phức tạp, đặc biệt đối với trẻ. Bởi vậy, cha mẹ cần rèn cho con khả năng suy nghĩ độc lập và “chịu khó” phản bác ý kiến của người khác từ khi trẻ bắt đầu biết “lý sự” – khoảng 3 tuổi. Đừng quên, khi trẻ muốn trình bày ý kiến riêng, cha mẹ hãy luôn tôn trọng và khuyến khích trẻ.

Trẻ có quyền thích hay không thích món đồ này, yêu hay không yêu người kia với những lý lẽ riêng của chúng. Hãy tôn trọng và lắng nghe nguyên nhân, sau đó nhẹ nhàng giải thích và thuyết phục. Cha mẹ cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần “đầu hàng” trước những lý lẽ chuẩn của trẻ.

ThS tâm lý học Nguyễn Văn Quyết, Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới chia sẻ tới các bậc cha mẹ một số “bí kíp” đơn giản, dễ áp dụng để rèn cho trẻ khả năng “dám ăn dám nói”:

Hãy để con bạn tự trả lời phần câu hỏi của chúng. Bố mẹ hãy tạo thêm cơ hội cho con có thể tự trả lời các câu hỏi thuộc về mình. Thói quen tự trả lời sẽ khuyến khích trẻ sử dụng lời nói trong các tình huống mới và đa dạng hơn.

Hãy tìm cách kéo dài các cuộc thảo luận với con bạn bằng các câu nghi vấn, thể hiện sự tò mò. Những câu hỏi như: “Con học được điều đó ở đâu?”, “Sao con lại có suy nghĩ đó?” hoặc “Thú vị nhỉ, hãy cho mẹ biết thêm đi”… Đồng thời, cha mẹ đừng quên thể hiện chút hiểu biết của mình xung quanh chủ đề của con thông qua việc đưa ra quan điểm về nội dung con đang chia sẻ. Điều này khuyến khích con bạn suy nghĩ cởi mở hơn.

Cha mẹ hãy cố gắng không phán xét con vì khi trẻ cảm thấy bị phán xét, chúng có thể dừng lại. Cùng đó, kèm theo yêu cầu, cha mẹ nên cho trẻ một vài phương án. Việc này giúp trẻ quen với việc lựa chọn và nói lên điều chúng muốn.

Đừng định kiến hay áp đặt vì điều này có thể khiến trẻ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm và trình bày ý kiến của mình.

“Khi trẻ có thể chứng kiến sự quyết đoán của bố mẹ trong một số tình huống cụ thể hoặc qua những câu chuyện bạn đã trải nghiệm, trẻ sẽ nhận thấy giá trị của chính kiến và điều này sẽ ngấm dần vào lối hành xử của chúng” - ThS Quyết nhấn mạnh.

Ở dưới độ tuổi trưởng thành, chính kiến của trẻ luôn cần sự kiểm chứng từ bố mẹ. Bằng cách tế nhị nhất, bố mẹ hãy giúp con củng cố ý kiến bằng việc cùng con phân tích, tìm kiếm thông tin khách quan để bảo vệ thêm cho quan điểm và thêm sức mạnh cho sự quyết đoán của con.

“Cho dù ý kiến của trẻ còn sai lệch, bố mẹ vẫn nên động viên con phát biểu, tự chủ suy nghĩ. Bố mẹ chỉ làm nhiệm vụ điều chỉnh, sửa chữa những suy nghĩ chưa đúng của con, nhất quyết đừng “suy nghĩ hộ” con. Hãy để trẻ độc lập suy nghĩ và tự do phát biểu ý kiến của bản thân – đó là con đường đúng đắn để bồi dưỡng khả năng sáng tạo và kỹ năng bảo vệ quan điểm cá nhân của trẻ” - ThS Nguyễn Văn Quyết.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không phải lúc nào im lặng cũng là… 'vàng'