“Không chỉ tôi mà rất nhiều người, từ lớn đến bé đều rất tiếc nuối vì Tết không còn âm thanh rộn ràng hay mùi thuốc pháo nữa. Hình ảnh xác pháo đỏ đường mang lại cảm xúc dâng trào. Nhiều người vẫn nhớ pháo; tiếng pháo làm cho không khí sôi động lên để người ta biết Tết đã đến.
Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn nhìn nhận việc cấm pháo của Chính phủ là đúng, bởi vì nó đảm bảo an toàn, an ninh xã hội.
Tuy nhiên, tôi ước hồi đó Chính phủ chỉ cấm đốt các loại pháo to, pháo quá cỡ, còn vẫn cho phép đốt các loại pháo tét. Giữ được những bánh pháo tét thì vẫn giữ được không khí xuân hơn, thậm chí nó còn là một sản phẩm du lịch với người nước ngoài”, ông Tiến bộc bạch.
Không có pháo ăn Tết vẫn vui
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì hoàn toàn ủng hộ việc cấm pháo của Chính phủ.
Ông nói, trước năm 1995, sự mất an toàn của việc sử dụng pháp đã tới cực hạn. Nhiều vụ nổ đã gây ra những tai nạn thương tâm, hay việc người ta khủng bố nhà nhau bằng thuốc pháo. Dân thì đua nhau làm những quả pháo to, đôi khi đặt cả kíp mìn vào pháo cho nổ to hơn…
Hầu như năm nào lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, kêu gọi người dân hạn chế sử dụng pháo nhưng không giải quyết được vấn đề.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Bên cạnh đó, ông Vĩ cũng cho rằng, có những lực lượng từ nước ngoài họ có kế hoạch lợi dụng tiếng pháo để xâm nhập vào lãnh thổ nước ta trong dịp Tết.
Vì vậy, Chính phủ phải có quyết định cấm pháo.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đó. Có thể sẽ có những người tiếc nuối nhưng cũng sẽ có những người còn mừng.
Ví dụ, ở chỗ khu tập thể Thanh Xuân nhà tôi, trước đây, cứ Tết đến là người ta phải sơ tán lũ trẻ con đi nơi khác hoặc về quê. Họ treo pháo từ tầng 4 xuống tầng 1 rồi đốt thì không đứa trẻ nào nó chịu được.
Nói chung là có những quốc gia người ta không đốt pháo nhưng vẫn ăn Tết vui đấy thôi, để dành tiền pháo mua hoa, quà hoặc làm các thứ khác”, ông Vĩ chia sẻ.
Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đã nới lỏng quy định về sử dụng pháo đối với người dân. Nghị định 137 có hiệu lực ngày 11/1/2021 cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa do các đơn vị quốc phòng sản xuất và phân phối; hành vi đốt pháo nổ vẫn bị nghiêm cấm.