Từ loại thực vật mọc hoang trên đồi, cây trện đã mang lại thu nhập khá cho nhiều người dân ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Phá vườn tạp để trồng cây hoang
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các xã Sơn Lễ, Sơn Tiến, An Hòa Thịnh… (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã chủ động phá bỏ vườn tạp kém hiệu quả để trồng cây trện.
Cây trện (còn gọi là cây rành rành) là loại cây mọc tự nhiên xuất hiện nhiều trên vùng núi huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đây, loài cây này giá trị thấp, người dân thường lên núi cắt, đào về làm củi, nhất là sử dụng vào mùa đông đốt lửa tránh rét.
Khoảng những năm 2000 nhiều người từ Nghệ An vào tìm mua cây trện về để làm tinh dầu và chổi nên loại cây này được bán với giá cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây mọc hoang, một số gia đình ở huyện Hương Sơn quyết định chặt bỏ cây tạp như sim, mua... trên vườn đồi để trồng loại cây này.
Là hộ dân phá bỏ vườn tạp từ sớm để trồng trện, bà Phan Thị Hợi (53 tuổi, trú xã Sơn Lễ) cho biết, từng là cây mọc hoang, trện rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên việc trồng trện cũng có nhiều thuận lợi.
Nhiều gia đình ở huyện Hương Sơn phá bỏ hàng hecta cây tạp trên đồi để trồng trện. (Ảnh: H.N) |
“Năm 2003, gia đình tôi quyết phá bỏ vườn tạp kém hiệu quả để trồng trện. Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 2ha đất trồng cây trện. Cứ thế hàng chục năm qua nhờ loại cây trên rừng này đã giúp gia đình tôi vươn lên phát triển kinh tế. Nuôi con vào đại học cũng nhờ cây trện này”, bà Hợi nói.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2021, gia đình bà Nguyễn Thị Liên (55 tuổi, trú tại xã Sơn Tiến) quyết định chặt bỏ hàng trăm cây tràm trên diện tích 2.500m2 để trồng cây trện. Bà Liên cho biết, trện là loại cây hoang dã rất dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng tràm.
“Cây trện dù nắng nóng hay mưa nhiều vẫn sống bình thường, không bị sâu bệnh phá hại, nhưng nếu muốn tăng năng suất, sản lượng cần nhổ cỏ và bón phân lân cho cây trện”, bà Liên chia sẻ.
Theo thống kê của Hội nông dân huyện Hương Sơn, trên địa bàn hiện có khoảng 190 ha cây trện, trong đó khoảng 170 ha cây trện tự nhiên và khoảng 20 ha trện trồng.
Cụ thể, xã Sơn Lễ có 10 hộ, diện tích hơn 4 ha; xã Sơn Tiến có hơn 80 ha, với hơn 100 hộ; còn xã An Hoà Thịnh có 45 hộ ở thôn Tân Thịnh chuyên chăm sóc, khai thác trện tự nhiên rộng hơn 100 ha ở núi Thiên Nhẫn.
Đầu tư thấp, thu nhập khá
Theo những người trồng trện ở huyện Hương Sơn, cây trện cho thu nhập quanh năm. Hạt và hoa trện bán để làm tinh dầu được thương lái ở xã và từ Nghệ An vào thu mua, sau đó tiếp tục vận chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố khác. Do không cần đầu tư nhiều, lại dễ bán nên tính chung thu nhập thì vẫn khá hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
“Cây trện khô được thương lái mua với giá 13.000 đồng-15.000 đồng/kg (mỗi kg trện tươi được 0,5kg trện khô). Để đủ kịp thời gian giao cho thương lái, ngoài các thành viên trong gia đình, tôi phải thuê thêm từ 3-5 người để thu hoạch”, bà Nguyễn Thị Liên nói.
Trện được xem là cây giảm nghèo đối với nhiều hộ dân ở huyện Hương Sơn. (Ảnh: H.N) |
Lãnh đạo UBND xã An Hoà Thịnh thông tin, hiện nay, thu nhập trung bình của mỗi ha trện đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Người dân không phải trồng, chỉ cần làm cỏ, bón phân rồi thu hoạch. Dù trên địa bàn không có cơ sở thu mua tập trung, song các đại lý ở các xã khác đến tận nhà thu mua nên rất thuận lợi.
Ông Mai Văn Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn cho biết, nhiều năm nay, cây trện được coi là loài cây xoá đói giảm nghèo trên vùng đất đồi ở Hương Sơn.
Không chỉ xuất bán sang các địa phương khác, tại địa phương đã có cơ sở sản xuất tinh dầu trện được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Từ 1 loại cây mọc hoang trên núi, bà con huyện Hương Sơn đã biến thành loài cây mang lại thu nhập cao.
“Tuy là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện nay huyện Hương Sơn vẫn chưa có chủ trương mở rộng diện tích, phát triển kinh tế từ cây trện. Bởi đây là loại cây sống phù hợp với đồi núi, nếu phá rừng hay chặt bỏ keo tràm để trồng trện sẽ có tác dụng người với môi trường, gây biến đổi khí hậu”, ông Khanh nói.