Tuy nhiên, việc có áp dụng chỉ số giá tiêu dùng để tính tiền sử dụng đất hay không đang tùy thuộc vào các địa phương, không có sự thống nhất. Riêng tại những địa phương đang áp dụng chỉ số CPI thì lại sử dụng CPI của quốc gia, thay vì sử dụng CPI của tỉnh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án tại Hà Nội và TPHCM cho biết: “Hiện nay, có những tỉnh, thành áp dụng chỉ số CPI của tỉnh trong công thức tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư; trong khi đó, một số tỉnh, thành khác lại áp dụng chỉ số CPI quốc gia. Như vậy tạo sự không nhất quán trong việc tính tiền sử dụng đất”.
“Tôi cho rằng khi đã áp dụng CPI thì phải sử dụng CPI của địa phương, của nhóm ngành để tính. Có như vậy mới phản ánh đúng tăng trưởng và tình trạng kinh tế của địa phương, đáp ứng cán cân cung cầu”, vị này khẳng định.
Mặt khác, áp dụng CPI hay GDP theo mức cả nước nhưng lãi suất ngân hàng hay suất chiết khấu lại được chọn sử dụng theo mức của địa phương. Việc áp dụng theo cách tính này là không cùng hệ quy chiếu về định lượng.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Luật Đất đai đang phân quyền nhiều hơn cho các đơn vị cấp tỉnh. Vì vậy, việc sử dụng CPI của tỉnh trong công thức tính định giá đất theo công thức thặng dư cũng là phù hợp và tạo sự nhất quán.
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đa số cũng đồng tình, bản thân mỗi phương pháp tính tiền sử dụng đất đều đang tồn tại những ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên xét trên mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cần lựa chọn phương pháp có cơ sở khoa học, minh bạch, rõ ràng, cho phép cơ quan chức năng và doanh nghiệp tính toán được chi phí đầu tư.
Ghi nhận hiện tại, nhiều doanh nghiệp đề xuất áp dụng phương pháp tính theo Hệ số K, tạo sự khách quan, minh bạch, cụ thể và linh hoạt trong điều hành, điều tiết về giá đất khi điều chỉnh hệ số. Tuy nhiên, để triển khai rộng khắp, cần ít nhất 5 năm để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảng giá đất trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng…
Do vậy, tại thời điểm này, đề xuất giữ lại và có sự điều chỉnh công thức tính toán theo phương pháp thặng dư nhằm tạo thuận lợi cho công tác xây dựng giá đất, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất đai, từ đó khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường, hướng tới khôi phục và phát triển nền kinh tế.