Kiên trì xây đắp tình yêu lao động cho trẻ

Hiếu Nguyễn | 02/05/2022, 07:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mục tiêu cao nhất của giáo dục là đào tạo ra những cá nhân độc lập, tự chủ và góp phần xây dựng cuộc sống từ gia đình đến xã hội.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (Đắk Lắk) được rèn ý thức lao động từ những việc nhỏ. Ảnh: NTCCHọc sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (Đắk Lắk) được rèn ý thức lao động từ những việc nhỏ. Ảnh: NTCC

Để làm được điều đó, tiên quyết phải xây dựng cho trẻ tình yêu lao động và ý thức lao động. Dù còn những hạn chế, nhưng điều này đã và đang được các trường nỗ lực thực hiện.

Niềm vui từ những việc nhỏ

Ở Trường Tiểu học Lê Lợi, buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar (Đắk Lắk), ngoài rèn luyện đạo đức, cung cấp tri thức cho học sinh, một yếu tố quan trọng được nhà trường quan tâm là luôn coi lao động như việc làm cần thiết để giáo dục học sinh phát triển toàn diện.

Cô Lương Thị Hồng - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Ngoài giờ học, giáo viên thường cho học sinh tham gia lao động, vệ sinh trường lớp, nơi công cộng, tưới cây, lau bàn ghế… Những việc làm tưởng như đơn giản nhưng giúp các em hiểu và có trách nhiệm với cuộc sống, hoàn thiện các kỹ năng lao động phục vụ cho sinh hoạt, đời sống của bản thân. Từ thành quả lao động đạt được ở trường và sự ghi nhận của bạn bè, thầy cô, học sinh có thêm động lực, niềm hăng say, biết quý trọng giá trị sức lao động của bản thân và người khác.

Hiệu quả đạt được ở học sinh, theo cô Lương Thị Hồng, là hình thành suy nghĩ đúng đắn về việc lao động là vinh quang, trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống. Điều đó sẽ kích thích nhiều hơn nữa ý chí học tập của mỗi học sinh. “Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hơn bao giờ hết, các nhà trường dù ở cấp học nào cũng cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục học sinh qua lao động, coi đây là yếu tố quan trọng trong việc giáo dục trò trở thành người hữu ích cho xã hội”, cô Lương Thị Hồng nhấn mạnh.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (Đắk Lắk) lao động vệ sinh cảnh quan nhà trường. Ảnh: NTCC

Bồi dưỡng tình yêu lao động

Khẳng định nhà trường không ngừng bồi dưỡng tình yêu lao động cho học sinh, cô Lê Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (An Giang) - cho biết: Điều này đến từ những việc rất nhỏ như gìn giữ dụng cụ học tập cá nhân, giữ gìn vệ sinh trường lớp, đến những hoạt động lớn như kiến thiết môi trường học tập an toàn, văn minh (trang trí lớp, góc học tập, tạo cảnh quan khu tiểu cảnh trong khuôn viên trường học, sân nhà…).

Tương tự, Trường M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) cũng coi giáo dục lao động là một trong các nguyên tắc của giáo dục trong nhà trường, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách học trò. Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng: Nếu xem nhẹ nguyên tắc này là chưa hoàn thành mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Giáo dục lao động cho học sinh phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh những tai nạn đáng tiếc. Tại Trường Lômônôxốp, giáo dục tình yêu lao động được giảng dạy qua các môn học.

Môn Sinh học, Lịch sử khi dạy về sự tiến hóa loài người đều cho học sinh thấy rõ tầm quan trọng của lao động, nhờ lao động mà loài người đã tiến hóa nhanh chóng như hiện nay. Các bộ môn tự nhiên, giáo dục STEM chỉ đạt được kết quả cao nhờ miệt mài lao động trí óc và trong phòng thí nghiệm… Thông qua các hoạt động lao động mà hình thành được niềm tin trong tâm hồn học sinh, khi hoàn thành xong một việc, các em sẽ cảm thấy tự hào về mình, về nhóm và rèn luyện được ý chí tiến bước trong học tập và lao động.

Giáo dục tình yêu lao động tại trường, theo thầy Nguyễn Quang Tùng, còn qua một số công việc phù hợp với lứa tuổi học trò. Học sinh được khuyến khích tự lao động, giáo viên hỗ trợ và kiểm soát thật tốt an toàn lao động của học trò. Ở trường, các em vệ sinh lớp học, khuôn viên trường (nhà trường không có lao động dọn dẹp các khu vực này). Ở nhà, các em giúp bố mẹ làm việc nhẹ nhàng, chăm sóc cây xanh… Nhiều bộ môn như Công nghệ, Giáo dục công dân đều có dự án giao về nhà làm việc và báo cáo giáo viên khi kết thúc dự án, có thể bằng những video ngắn gọn. Ở góc độ xã hội, học sinh có thể tham gia vệ sinh các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ, bãi biển… trong những dịp ngoại khóa.

Học sinh Trường THCS Thái Thụy (Thái Bình) tham gia lao động nhặt khẩu trang, túi nilon bên đường giao thông.

Những suy ngẫm

Tuy nhiên, qua việc cho học sinh lao động ở trường lớp, thầy Nguyễn Quang Tùng cũng nhận thấy có những vấn đề đáng suy ngẫm. “Có nhiều học trò cầm chổi gượng gạo, lúng túng khi làm vệ sinh… Nguyên nhân do ở nhà có giúp việc nên hầu như các em không phải làm gì cả. Có em lao động một chút là thấy mệt, chưa quen với cường độ làm việc như các bạn ở nông thôn. Bên cạnh đó, học sinh thành phố khi lao động tại trường dễ bị xảy ra vụ việc không như ý, khi đó báo chí đưa tin cũng khiến nhiều trường học “ngại” khi giao nhiệm vụ lao động cho học trò” - thầy Tùng chia sẻ.

Tại Trường Tiểu học Lê Lợi (Đắk Lắk) cũng có những khó khăn riêng khi ở vùng khó. Cô Lương Thị Hồng cho hay: Mặc dù, cách trung tâm huyện không xa nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn quá khó khăn. Học sinh là con em dân tộc thiểu số nhiều, chiếm trên 70%, nên phụ huynh còn ít quan tâm con em mình trong học tập, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống khi ở nhà. Nhất là với học sinh lớp 1, giáo viên vừa là cô, vừa là mẹ, phải hướng dẫn cho các em từ vệ sinh cá nhân như buộc tóc, rửa chân tay, chà dép, bỏ rác đúng nơi quy định. Từ đó, hình thành cho các em thói quen tự phục vụ bản thân, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung...

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar (Đắk Lắk) hướng dẫn học sinh rửa tay chân. Ảnh: NTCC

Theo quan điểm của thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), giáo dục nhân cách, hình thành các kỹ năng sống luôn là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các nhà trường. Trường THCS Thụy Liên luôn nhận thức được, ngoài rèn đạo đức, cung cấp tri thức, yếu tố rất quan trọng là luôn coi lao động như việc làm cần thiết để giáo dục toàn diện học sinh. Ngoài giờ học, hàng tuần, học sinh phải tham gia lao động, vệ sinh trường lớp, nơi công cộng và tham gia lao động công ích ở địa phương. Được tổ chức thường xuyên và có kế hoạch của nhà trường sẽ giúp hình thành đức tính yêu lao động ở trẻ, hiểu và có trách nhiệm với bản thân, cuộc sống…

Thế nhưng, thời gian gần đây, việc giáo dục lao động đối với học sinh trong các nhà trường giảm hẳn đi, do nhiều nguyên nhân: Yêu cầu về giáo dục lao động không còn được chú trọng, thậm chí bị coi nhẹ, chỉ tập trung vào việc học dẫn đến áp lực học tập khá nặng nề. Ngoài ra, hơn 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến học sinh nhiều nơi phải dừng đến trường, không được tham gia các hoạt động lao động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống...

Bên cạnh đó, đời sống các gia đình đã nâng lên đáng kể, sinh ít con, các em được chiều chuộng, không phải làm việc nhà. Khi đến trường, phụ huynh thương con, sợ con lao động vất vả có xu hướng muốn việc lao động ở trường được thực hiện bằng “dịch vụ hóa” để thuê nhân công làm thay… “Những nguyên nhân trên làm cho việc giáo dục lao động đối với trẻ em bị hạn chế rất nhiều, tạo nên những yếu kém về ý thức - kỹ năng lao động và kỹ năng sống, việc giáo dục toàn diện học sinh có phần ảnh hưởng” - thầy Nguyễn Tiến Dũng trăn trở.

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar (Đắk Lắk) hướng dẫn học sinh buộc tóc. Ảnh: NTCC

Đa dạng hình thức giáo dục

Thầy Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: Giáo dục ở các nhà trường hiện nay rất cần duy trì và tăng cường biện pháp giáo dục đối với từng học sinh. Nhà trường xây dựng kế hoạch lao động cụ thể để thầy cô, học sinh tham gia. Đồng thời tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh hiểu mục đích của giáo dục lao động trong nhà trường.

Những công việc hàng ngày khi các em đến trường phải làm tưởng như đơn giản (quét dọn lớp, sân trường, tưới cây, nhổ cỏ, lau bàn ghế…) cũng đủ hình thành ở các em tình yêu lao động và khả năng hoàn thiện các kỹ năng phục vụ cho sinh hoạt, phù hợp với mục tiêu giáo dục hiện nay. Dù quy mô còn nhỏ, các công việc thể hiện chưa nhiều, nhưng từ thành quả lao động đạt được ở trường cùng sự ghi nhận của bạn bè và thầy cô, khiến các em có thêm động lực và niềm hăng say lao động, biết quý trọng giá trị sức lao động của bản thân và người khác.

Nhìn nhận rõ khó khăn của nhà trường, cô Lương Thị Hồng chia sẻ: Tại Trường Tiểu học Lê Lợi, ngay từ đầu năm học giáo viên lớp 1 cho học sinh làm quen môi trường mới, học nội quy lớp học, phối kết hợp với phụ huynh và giáo viên bộ môn đề ra kế hoạch cụ thể, hướng dẫn và cho học sinh thực hiện từng công việc. Bên cạnh đó, thông qua giáo dục lao động, giáo viên có thể quan sát, uốn nắn, điều chỉnh hành vi, kỹ năng của học sinh. Đây cũng là cơ hội giúp trò rèn luyện tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, biết trân trọng sức lao động để phát triển nhân cách một cách toàn diện, trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Từ thực tế tại một trường vùng thuận lợi, thầy Nguyễn Quang Tùng nêu quan điểm: Các nhà trường cần mạnh dạn hơn nữa trong giáo dục tình yêu lao động cho học trò. Phụ huynh không nên làm hết phần việc của con mình, hãy mạnh dạn trao việc làm cho con. Các con sẽ được giáo dục rất nhiều năng lực và phẩm chất qua công việc lao động tưởng chừng đơn giản đó.

Học sinh Trường THCS Thái Thụy (Thái Bình) lao động chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ.

Lan tỏa tình yêu lao động

Để việc lao động không phải là hình thức, không gây mỏi mệt áp lực, giải pháp được cô Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ: Trường THCS Quản Cơ Thành luôn hướng dẫn học sinh về ý nghĩa, lợi ích thực tế của lao động, thành quả lao động. Những buổi sinh hoạt, giáo viên luôn tuyên dương những cá nhân, tổ, nhóm có tinh thần lao động tích cực. Đó là tinh thần tự giác bảo vệ tài sản chung, giữ gìn mỹ quan của trường lớp; là tinh thần lao động trí óc, say mê học tập… Việc các em nhận ra lao động không chỉ là những buổi cắt cỏ, quét lớp, mà chính là quá trình chủ động thể hiện cái tôi và ghi nhận cái tôi đã thúc đẩy việc tự hoàn thiện mình mỗi ngày.

Bên cạnh được tuyên dương, công nhận thành quả lao động của học sinh trước tập thể cũng là cách nhà trường áp dụng để xây dựng tình yêu lao động. Đó là những cuộc thi, buổi sinh hoạt chủ điểm, sinh hoạt dưới cờ giới thiệu những sáng kiến, thành quả của chính các em và bạn bè đã thực hiện. Đó là phong trào thi đua học tập tốt, tiết học tốt, mô hình học tập tích cực; là các mô hình bảo vệ môi trường, động vật; là những khoảng vườn, khoảng sân được phân công cho từng lớp chăm sóc, trang trí trong kết cấu chung của toàn trường…

Những thành quả ban đầu gặt hái được đó là học sinh trân trọng nơi các em học tập, yêu thương từng góc nhỏ và tự giác làm đẹp thêm mỗi ngày. Lao động thể chất giúp các em đoàn kết, tăng cường sức khỏe, phát triển toàn diện. Xa hơn, các em biết cố gắng học tập, tăng kiến thức, tự học tham gia các sân chơi lớn như cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, cuộc thi khoa học kỹ thuật… Những thành quả đó là sự đồng hành, thống nhất từ tập thể giáo viên cũng say mê lao động và vô tư lao động, cảm nhận niềm vui lao động lan tỏa cho học trò.

“Có tình yêu lao động, trẻ sẽ tự có ý thức lao động. Muốn bồi dưỡng tình yêu phải xuất phát từ thực tế, từ thành quả lao động do các em tự tạo ra. Nhà trường và gia đình - phải đồng hành bằng cách không ngừng bồi đắp, tuyên dương, khích lệ cũng như công nhận và ứng dụng các thành quả của các em. Với lòng yêu trẻ, tinh thần lao động vô tư của những người thầy, chúng tôi tin rằng, tình yêu lao động vẫn đang bám rễ và ngày càng lớn lên bên trong mỗi học sinh”. - Cô Lê Thị Ngọc Dung -Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (An Giang)
Bài liên quan
Phân biệt giới tính khi chọn nghề, chọn trường: Hệ lụy không đáng có
Thực tế cho thấy, vẫn tồn tại định kiến phân biệt giới tính khi chọn nghề, chọn trường trong suy nghĩ của giới trẻ, gia đình và đôi khi cả thầy cô.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiên trì xây đắp tình yêu lao động cho trẻ