Kiểu 'khích lệ' con học có thể gây hậu quả tiêu cực ảnh hưởng nhân cách

Thanh Hương, | 08/07/2023, 16:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Câu nói của cha mẹ dù vô ý nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến trẻ.

Cha mẹ nào cũng mong con học hành chăm chỉ, đạt được thành tích học tập tốt để thi đỗ vào các ngôi trường nổi tiếng. Dù biết học tập không phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công nhưng học tập vẫn luôn là con đường ngắn nhất và bền vững nhất.

Chính vì vậy, khi thấy con chểnh mảng trong việc học, cha mẹ không khỏi sốt ruột. Một số quát mắng và nói những câu mang tính đe dọa con.

Trong cuộc sống, chúng ta từng không ít lần nghe thấy hoặc chính chúng ta đã nói như sau để dọa con: "Không học hành chăm chỉ thì sau này chỉ có đi nhặt rác, làm lao công thôi", hay "học dốt thì sau này đi làm bảo vệ, đi làm phụ hồ";...

Khi cha mẹ nói những câu này, dù là vô ý nhưng cũng gián tiếp khiến trẻ hình thành nên quan niệm phân biệt đối xử với nghề nghiệp. Trẻ sẽ cho rằng những nghề mà cha mẹ lôi ra dọa mình là nhỏ bé, thấp kém và có ý coi thường những người làm việc này. Suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Khi cha mẹ dọa con như thế, lợi chưa thấy đâu nhưng hại đã ở ngay trước mắt.

Một kiểu khích lệ con chăm học của cha mẹ có thể gây hậu quả tiêu cực: Con giỏi lên chưa thấy mà nhân cách lại bị ảnh hưởng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thực tế, cha mẹ thông minh không cần phải dọa nạt, đánh mắng để con học hành chăm chỉ. Thay vào đó, để con yêu thích việc học, cha mẹ cần ghi nhớ 5 lời khuyên hữu ích sau. Đây là những lời khuyên của bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, Nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM:

1. Quản trị sự kỳ vọng của bản thân về việc học của con

Mặc dù chúng ta thường nghe câu "mỗi đứa trẻ là một thiên tài" nhưng thực tế, năng lực học tập của trẻ sẽ rất khác nhau. Con mình không phải lúc nào cũng có khả năng học tốt như con của người ta, đó là thực tế mà đôi khi chúng ta phải chấp nhận.

Một số trẻ sẽ có những yếu tố bẩm sinh trong tính cách hay khả năng nhận thức giúp các con có khả năng học tốt hơn trẻ khác. Ví dụ: Khả năng ghi nhớ tốt hơn; tính cách điềm đạm, ổn định, tập trung.

Tuy nhiên, khi con không chịu học hay học không tốt, rất nhiều cha mẹ gặp lỗi sai là chỉ trích, trút toàn bộ gánh nặng lên cho con. Thậm chí, một số phụ huynh còn đem điều này ra như một điều kiện để yêu thương con. Chẳng hạn nếu con học dở, cha mẹ không thương con, con không xứng đáng làm con của cha mẹ. Điều này không giúp cho con hứng thú hơn với việc học. Trái lại con sẽ thấy tủi thân và dần xa cách với cha mẹ.

Do đó, trong tình huống này, cha mẹ cần đồng hành cùng con, sẵn sàng tìm những phương hướng để giúp con thuận lợi hơn trong việc học của mình.

2. Hiểu thiên hướng và phong cách học tập của con

Câu nói "mỗi đứa trẻ là một thiên tài" nói một cách đầy đủ là "mỗi đứa trẻ là một thiên tài theo cách của riêng mình". Có nghĩa có những trẻ sẽ thích nghệ thuật; thể thao hay xã hội... Có những trẻ học bằng cách đọc, cách nghe hoặc chỉ học tốt bằng hình ảnh... Có những trẻ tương tác với các bạn mới học tốt nhưng có trẻ phải ngồi một mình tập trung.

Lý thuyết trí thông minh đa diện được nghiên cứu và phát triển bởi nhà tâm lý học – Giáo sư Howard Gardner cho thấy: Trí thông minh trong một đứa trẻ tồn tại đến 8 loại hình khác nhau, có nghĩa rằng có nhiều con đường khác nhau để học tập.

Nếu chúng ta không có sự hiểu biết về thiên hướng, sở thích các con thì rất dễ rơi vào lỗi "bắt con cá leo cây". Do đó, hãy dành thời gian chịu khó tìm hiểu về sở thích sở trường của con, từ đó hướng con đi theo những định hướng học tập thuận lợi hơn, giúp các con hứng thú hơn.

3. Hãy khơi gợi trí tò mò của trẻ

Trẻ con sinh ra đã là những nhà khám phá bẩm sinh. Các con sẽ đặt câu hỏi với những vấn đề xung quanh mình, nhưng nhiều người lớn có xu hướng xem nhẹ những thắc mắc này. Chính sự thờ ơ của người lớn đã gửi một thông điệp "các con đừng nên tò mò nữa, đó là điều không nên". Trong khi đó, chính sự tò mò muốn hiểu biết, muốn đi tìm câu trả lời cho những vấn đề của thế giới này là động lực hàng đầu để duy trì hứng thú với việc học.

Do đó, với những câu hỏi tại sao của con, chúng ta hãy đón nhận bằng một thái độ nghiêm túc. Hãy dựa vào những câu hỏi đó để tạo ra những con đường đưa các con đến việc học.

4. Giảm thiểu các tác nhân gây xao nhãng việc học

Rất nhiều cha mẹ cho con tiếp xúc với các thiết bị màn hình - tác nhân gây xao nhãng hàng đầu hiện nay. Nhưng khi con ham mê và chán học, cha mẹ lại quay ngược lại trách cứ như đó là lỗi của con vậy.

Thế giới trên các thiết bị màn hình hấp dẫn hơn việc học tập. Bởi để học 1 kiến thức hay kỹ năng nào đó, chúng ta rèn luyện vất vả và rõ ràng không thể thú vị bằng việc xem iPad, điện thoại... Do đó, để con có thói quen học tập tốt, chúng ta phải kiểm soát những thói quen này. Có thể ấn định thời gian hoặc đưa ra những nguyên tắc như con phải làm xong bài tập, hoàn thành việc nhà mới được xem thiết bị màn hình trong bao nhiêu phút...

5. Hãy đồng hành với việc học của con

Trẻ con sẽ có xu hướng dành nhiều sự quan tâm hứng thú hơn với những điều cha mẹ cũng quan tâm. Ví dụ cha mẹ thích đọc sách thì khả năng con cũng sẽ như vậy. Nếu chúng ta xem việc học là chuyện chỉ của 1 mình con, không có sự quan tâm, không làm gương thì thật khó để các con có thái độ ham thích việc học. Hãy dành thời gian trò chuyện cùng con về những sở thích, khó khăn con đang gặp phải trong việc học; cùng con đi viện bảo tàng; đọc sách cùng con...

Bài liên quan
5 nguyên tắc dạy con trưởng thành của giáo sư Trương Nguyện Thành
Chỉ có cha mẹ mới có thể đưa ra gia quy và những cơ cấu hoạt động trong gia đình có khả năng thuyết phục con trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểu 'khích lệ' con học có thể gây hậu quả tiêu cực ảnh hưởng nhân cách