Cha mẹ ở quốc gia hạnh phúc bậc nhất thế giới dạy con như thế nào?

07/07/2023, 15:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đứa trẻ hạnh phúc thường được lớn lên với sự tôn trọng của cha mẹ, được tin tưởng, lắng nghe và có thể tự do phát triển tính cách.

Người Đan Mạch có những quy tắc để nuôi dạy đứa trẻ hạnh phúc. Ảnh: Pexels.

Nuôi dạy những đứa trẻ ở tuổi dậy thì có thể là một thách thức dù bạn sống ở quốc gia nào. Nhưng nếu bạn tuân theo các nguyên tắc nuôi dạy con của Đan Mạch - một trong những quốc gia hạnh phúc bậc nhất thế giới - cuộc sống gia đình của bạn sẽ bớt căng thẳng hơn.

Đó là tuyên bố của nhà trị liệu tâm lý người Đan Mạch Iben Sandahl. Kể từ năm 1973, quê hương của bà luôn được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bình chọn là quốc gia hạnh phúc bậc nhất.

Bà Sandahl cho rằng để trẻ lớn lên hạnh phúc, dạy con theo kiểu Đan Mạch sẽ là phương pháp hữu ích. Dưới đây là một số nguyên tắc dạy con kiểu Đan Mạch mà nhà trị liệu tâm lý gợi ý để cha mẹ tham khảo và thử áp dụng.

day con hanh phuc anh 1
Sự tin tưởng là yếu tố quan trọng để gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Ảnh: Pexels.

Tin tưởng con

Là mẹ của hai người con gái, bà Sandahl cho rằng sự tin tưởng là điều cha mẹ cần "rèn luyện" ngay từ những năm đầu tiên nuôi con. Bà cũng nhấn mạnh không bao giờ là quá muộn để thể hiện sự tin tưởng con cái.

Lòng tin của cha mẹ đối với con cái cũng giống như sợi dây gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giúp mọi người gần gũi và gắn bó với nhau nhiều hơn. Bà Iben Sandahl nói thêm lòng tin cũng giúp xây dựng các mối quan hệ hạnh phúc, an toàn và đáng tin cậy.

Dành thời gian ở cạnh con

Khái niệm "cùng nhau" có nghĩa là duy trì mối quan hệ thân thiết và có ý nghĩa, giúp con bạn nhận thức rõ về những điều cha mẹ đang xây dựng. Dù ở độ tuổi nào, con cái vẫn cần được cha mẹ ở cạnh để an ủi, động viên.

"Trong thế giới đầy rẫy sự bất an, thanh, thiếu niên cần một nơi an toàn và gợi cảm giác gần gũi, thân thuộc như ở nhà. Nếu nhà không mang lại cảm giác đó, trẻ sẽ 'bay đi' và để tìm nơi chúng cảm thấy an toàn, tích cực hơn", bà Sandahl nêu quan điểm.

Đồng cảm với con

Theo bà Sandahl, sự đồng cảm giúp mọi người kết nối với người khác dễ hơn. Sự đồng cảm này cần được phát triển từ thời thơ ấu của trẻ, thông qua mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái.

Nhà trị liệu tâm lý khuyên rằng ngoài việc thể hiện sự đồng cảm với con, cha mẹ cũng cần cố gắng kết nối với cảm xúc của chính mình.

"Cha mẹ càng cởi mở với cảm xúc của mình, con cái càng giỏi đọc được cảm xúc của chúng và người khác. Điều này có tác động đáng kể đến các trẻ học cách hiểu bản thân mình", bà Sandahl nói với Independent.

Cho phép con "chơi tự do"

Cha mẹ có thể nghĩ rằng thanh, thiếu niên đã quá tuổi vui chơi. Nhưng ở độ tuổi này, "chơi" không có nghĩa là leo trèo, nhảy vào vũng nước... mà là quá trình xây dựng tính độc lập, tính cách, sự tự do và tự chủ trong mọi việc thay vì nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ.

Con cái ở độ tuổi này thường có suy nghĩ rằng: "Mình có thể tự làm được và không cần người lớn giúp đỡ". Đây là suy nghĩ hoàn toàn tự nhiên và là quá trình thiết yếu để trẻ bước qua tuổi trưởng thành. Là cha mẹ, bạn nên cho phép con "chơi tự do" nhưng cũng cần đồng hành để định hướng, giúp con phát triển và trở thành cá nhân toàn diện.

Dạy con cách lắng nghe

Bà Sandahl nói rằng cha mẹ nên dạy con cách lắng nghe người khác bằng sự tôn trọng, đồng thời phải có quan điểm rõ ràng về những điều chúng nghe được.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đảm bảo con cái được lắng nghe và thấu hiểu. Thanh, thiếu niên hiếm khi cố ý gây tổn thương cha mẹ, nhưng chúng có xu hướng thách thức người lớn khi cảm thấy không được tôn trọng và lắng nghe.

Để tránh tình trạng này, cha mẹ nên cởi mở nói chuyện cùng con, đồng thời khuyến khích con chịu trách nhiệm cho những hành động của mình.


(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha mẹ ở quốc gia hạnh phúc bậc nhất thế giới dạy con như thế nào?