Kinh doanh bết bát, Hải Phát Invest đang dần đóng băng?

PV | 25/05/2022, 08:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tự giới thiệu là Nhà phát triển các dự án bất động sản uy tín hàng đầu Việt Nam, tuy nhiên, Hải Phát Invest đang kinh doanh bết bát, chìm trong nợ nần.

Cổ phiếu Hải Phát Invest rớt thê thảm!

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng dư nợ trái phiếu của Hải Phát Invest là 3.957 tỷ đồng - tăng gần 132% so với cuối năm 2020. Trong đó, số phải trả trong vòng 12 tháng là 1.788 tỷ đồng. Nợ gốc trái phiếu đến hạn trong năm 2022 của Hải Phát Invest thậm chí còn lớn hơn doanh thu của cả năm 2021 (1.417 tỷ đồng).

Trong Báo cáo thường niên 2022, ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán: HPX) đã công bố thông điệp: “2022 tăng tốc và bứt phá”. Ông Hải khẳng định, với những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế, cùng chiến lược “tích cốc phòng cơ” trong năm 2021, Hải Phát Invest đặt quyết tâm hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, tạo tiền đề bứt phá cho các năm tiếp theo. Đồng thời, Công ty cũng đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh những năm tiếp theo với tỷ lệ tăng trưởng tối thiểu là 15%.

Mặc dù vậy, Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Hải Phát Invest lại cho thấy, doanh thu bán hàng chỉ đạt 56 tỷ đồng – giảm gần 78% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Hải Phát Invest lỗ gộp 535 triệu đồng; và nhờ có gần 30 tỷ lợi nhuận từ hoạt động tài chính, doanh nghiệp này mới đạt được mức 21,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - giảm 70% so với đầu năm 2021.

Với kế hoạch đạt 2.700 tỷ đồng doanh thu và 450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm “2022 tăng tốc và bứt phá” này; như vây, sau 3 tháng đầu năm, Hải Phát Invest hiện chỉ mới hoàn thành được 2% kế hoạch lợi nhuận và 4,6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

hai-phat-invest-1.jpg
Kinh doanh bết bát, Hải Phát Invest đang dần “đóng băng”?

Kết quả kinh doanh “tụt dốc” đã khiến cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest cũng liên tục rớt giá “thê thảm”. Thế nhưng, vấn đề khiến giới đầu tư lo ngại hơn cả đó chính là khả năng thanh khoản của Hải Phát Invest.

Chìm trong nợ nần

Tại thời điểm ngày 31/03/2022, tổng nợ của Hải Phát Invest là 6.743 tỷ đồng – tăng 691 tỷ đồng tương đương 10,2% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn và dài hạn bằng trái phiếu là 4.610 tỷ đồng - chiếm tới gần 70% tổng nợ và tăng 16,5% so với thời điểm cuối năm 2021.

Trước đó, Báo cáo tài chính 2021 hợp nhất đã kiểm toán của Hải Phát Invest cho thấy, tại thời điểm 31/12/2021, tổng dư nợ trái phiếu của Hải Phát Invest là 3.957 tỷ đồng - tăng gần 132% so với cuối năm 2020. Trong đó, số phải trả trong vòng 12 tháng là 1.788 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ gốc trái phiếu đến hạn trong năm 2022 của Công ty này còn lớn hơn doanh thu của cả năm 2021 (1.417 tỷ đồng).

Theo thuyết minh, các khoản vay trái phiếu của Hải Phát Invest chịu lãi suất từ 8,8%-11%/năm. Đây là mức lãi suất thuộc nhóm cao nhất trên thị trường trong năm 2021, mà một trong những lý do khiến mức lãi suất cao “ngất ngưởng” như vậy là vì các khoản vay trái phiếu này của Hải Phát Invest được đảm bảo một phần hoặc đảm bảo toàn bộ bằng cổ phiếu. Thời điểm cuối năm 2021, tổng các khoản vay trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu của Hải Phát Invest đã lên tới gần 2.416 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, điều kiện trả lãi 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần đối với tùy từng khoản vay gây áp lực trả lãi rất lớn lên Hải Phát Invest trong thời gian tới; trong khi việc dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo đang gặp rủi ro rất lớn, bởi vì giá cổ phiếu HPX đã giảm tới hơn 30% kể từ khi đạt đỉnh (giá đỉnh đạt được trong giai đoạn doanh nghiệp phát hành lượng lớn trái phiếu). Khi giá cổ phiếu giảm, đồng nghĩa với việc giá trị tài sản đảm bảo giảm mạnh, các khoản vay nói trên sẽ phải bổ sung tài sản đảm bảo đồng loạt tại cùng một thời điểm. Đây chính là áp lực cực lớn lên dòng tiền ngắn hạn của Hải Phát Invest.

Và trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đang bị ‘siết chặt” nhằm chấn chỉnh, thanh lọc và hoàn thiện thị trường, việc phát hành trái phiếu mới để đảo nợ của Hải Phát Invest sẽ rất khó khăn.

Chỉ số khả năng thanh toán giảm mạnh

Có thể nhận thấy rằng, chỉ số về khả năng thanh toán nhanh của Hải Phát Invest đã giảm rất mạnh. Tại thời điểm cuối quý I/2022, chỉ số này chỉ còn 0,75 – tiếp tục giảm so với con số 0,83 ghi nhận cuối năm 2021 và 1,15 ghi nhận cuối năm 2020. Được biết, chỉ số khả năng thanh toán nhanh dưới 1 như của Hải Phát Invest thể hiện trạng thái thanh toán dưới mức an toàn của một công ty.

hai-phat-invest-gdtd.png
Nợ gốc trái phiếu đến hạn trong năm 2022 của Hải Phát Invest còn lớn hơn doanh thu của cả năm 2021 (1.417 tỷ đồng).

Trở lại với Báo cáo tài chính năm 2021, với việc tích cực phát hành trái phiếu, tổng nợ của Hải Phát Invest đã “phình to” khi tăng hơn 60%, từ 3.757 tỷ đồng lên mức 6.051 tỷ đồng và kéo theo việc tăng lên của chi phí lãi vay trong năm 2022.

Đáng chú ý, nếu loại trừ khoản lợi nhuận 338 tỷ đồng từ việc bán 27% cổ phần tại Công ty con (Công ty Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hải Phát – Hải Phát Land) cho các cá nhân và loại trừ khoản lãi từ việc chuyển nhượng 20% trong Hải Phát Land trong năm 2020 được chuyển từ lợi nhuận chưa phân phối sang doanh thu hoạt động tài chính, thì EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay) của Hải Phát Invest chỉ đạt 297 tỷ đồng trong năm 2021 - trong khi chi phí tài chính đã chiếm gần 247 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hải Phát Invest trong năm 2021 cũng âm gần 3.000 tỷ đồng.

Bài liên quan
Những dự án tai tiếng của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát
Nhà ở xã hội Phú Lãm - The Vesta, chung cư HPC Landmark 105 hay The Pride là những dự án đầy tai tiếng của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh doanh bết bát, Hải Phát Invest đang dần đóng băng?