Đặt trò chơi may rủi này bên cạnh cái nghèo khó, mặt bằng dân trí của người dân miền Tây - một thị trường lớn của xổ số kiến thiết, là điều đáng để suy ngẫm. Một nghịch lý mà ai cũng thấy là những tỉnh nghèo, chỗ trũng về giáo dục lại có doanh thu cao và nguồn thu lớn từ nguồn thu xổ số. Đội ngũ những người bán vé số dạo thường đông ở những địa phương nghèo mà miền Tây là một điển hình.
"Đi bán vé số dạo" là câu cửa miệng để chỉ cái nghề không ai muốn chọn khi không còn biết phải chọn việc làm nào khác. Nghề này cũng cứu rỗi nhiều người nghèo khó, túng quẫn, nhưng rõ ràng, để thoát nghèo không thể nào bằng con đường dựa vào trò chơi may rủi.
Trong khi vé số mang vềlợi nhuận khủngcho các công ty, các đại lý, thì đội ngũ những người bán vé số dạo ở miền Tây cũng tăng lên và tiếp tục cảnh bấp bênh, nghèo khó. Dù là mắt xích quan trọng cuối cùng trong ngành kinh doanh xổ số, nhưng người bán vé số dạo không nằm trong danh mục ngành nghề nào, không hợp đồng lao động, không được thừa nhận là một tác nhân trong ngành, vì xét theo góc độ pháp lý, các công ty xổ số và đại lý chẳng phải chịu trách nhiệm ràng buộc gì với họ.
Con đường thoát nghèo căn cơ của mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương chắc chắn phải đến được từ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chứ không thể trông chờ vào doanh thu và lợi nhuận xổ số. Rõ ràng đang có một khoảng trống pháp lý, kinh tế hay dưới góc nhìn xã hội về người bán vé số dạo.
Một bộ phận dân nghèo này dù chưa được thừa nhận là một "tác nhân" trong chuỗi giá trị kinh tế vé số thì cũng cần được xem là nhóm đối tượng xã hội yếu thế cần chăm lo. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty xổ số và đạo đức kinh doanh của các đại lý cần được đặt ra và phải thực thi.
Đó không phải là sự ban ơn, mà chính là trả món nợ cho một bộ phận dân nghèo yếu thế thay vì để họ bấp bênh bên lề xã hội.