Kinh nghiệm và định hướng giáo dục hướng nghiệp

Vũ Vũ | 24/12/2022, 20:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hoạt động hướng nghiệp quyết định chất lượng lao động, ảnh hưởng đến kinh tế và sự phát triển nói chung của đất nước trong tương lai.

Giáo dục hướng nghiệp là gì?

Giáo dục hướng nghiệp có thể được hiểu đơn giản là tổng hợp các hoạt động nhằm mục đích tìm kiếm cho cá nhân một công việc phù hợp với bản thân. Hướng nghiệp bao gồm nhưng không loại trừ các hoạt động như: Tìm kiếm giá trị bản thân, sở thích, sở ghét; Đánh giá tính cách; Đánh giá thị trường lao động; Khai phá tiềm năng vốn có của con người; xác lập kế hoạch nghề nghiệp…. Tất cả nhằm hướng đến việc lựa chọn và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân đồng thời tạo ra một lực lượng lao động có định hướng rõ ràng, giúp tăng năng suất lao động và góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kinh nghiệm và định hướng giáo dục hướng nghiệp ảnh 1

Dưới đây tổng hợp những kinh nghiệm về hoạt động hướng nghiệp của một số quốc gia trên thế giới mà tác giả đã tổng hợp được. Chúng mình cùng nhau tìm hiểu và bàn luận thêm nhé!

Giáo dục hướng nghiệp ở Singapore

Singapore được mệnh danh là “con rồng của Châu Á” bởi sự phát triển chóng mặt về kinh tế trong một khoảng thời gian ngắn. Vậy đâu là nguyên do khiến cho đất nước này phát triển nhanh đến vậy?

Singapore đã phát triển mối liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và phát triển kinh tế, nghiên cứu nơi họ muốn nền kinh tế phát triển và sau đó đào tạo lực lượng lao động đang lên để chuẩn bị cho phù hợp. Singapore hiện đang tìm cách trở thành một trung tâm khoa học toàn cầu. Để làm như vậy, tất cả các bộ phận của chính phủ—bộ tài chính, ban phát triển kinh tế, bộ nhân lực, bộ giáo dục, cơ quan quy hoạch môi trường và đô thị, cơ quan quản lý nhà ở và nhập cư — cùng nhau lập kế hoạch và xúc tác cho sự phát triển của Singapore.

Hệ thống giáo dục tại Singapore được phát triển với niềm tin rằng: mỗi người đều có những năng khiếu đặc biệt và sở thích riêng biệt. Bởi vậy, hệ thống giáo dục được áp dụng một cách linh hoạt để giúp người học thể hiện hết tài năng của bản thân một cách toàn diện nhất. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông ở Singapore được lồng ghép và tích hợp trong các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi từ bậc trung học đến cả bậc học sau phổ thông. Giáo dục hướng nghiệp gồm 3 giai đoạn: (i) Nhận thức nghề nghiệp; (ii) Khám phá nghề nghiệp và (ii) Lên kế hoạch thực thi nghề nghiệp. Quá trình này giúp cho mỗi người hiểu hơn chính mình, khám phá ra tiềm năng của bản thân, nhận thức những quyền lợi giá trị nghề nghiệp cần theo đuổi, từ đó có những kế hoạch phát triển nghề nghiệp nhằm phát triển bản thân, góp phần phát triển xã hội, thúc đẩy kinh tế.

Giáo dục hướng nghiệp ở Nhật Bản

Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ và người thất nghiệp rất thấp. Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản có chính sách phát triển trường trung học kỹ thuật bậc cao và thành lập loại hình trường cao đẳng công nghệ đào tạo 5 năm với đối tượng là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong một số chương trình, học sinh có thể tham gia vào các khóa đào tạo nghề thông qua liên kết giữa nhà trường và các nhà tuyển dụng địa phương. Sau trung học cơ sở, khoảng 70% học sinh học tiếp lên trung học phổ thông để vào đại học, cao đẳng; khoảng 30% học sinh còn lại đi theo hướng đào tạo nghề.

Giáo dục hướng nghiệp ở Cộng hòa liên bang Đức

Ở Đức, việc phân bổ ngành học được thực hiện rất sớm theo năng lực học sinh ngay sau trung học cơ sở. Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phân luồng này. Luật pháp vừa bắt buộc, vừa tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, khu vực phi chính phủ tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp và hệ thống tạo việc làm cho học sinh học nghề. Chính phủ không quản lý trực tiếp công tác dạy nghề, nhưng quản lý chất lượng đào tạo nhằm thống nhất chuẩn chất lượng và buộc các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề phải thực hiện theo chuẩn. Các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp có quyền đưa các đặc điểm truyền thống, văn hóa, kinh tế xã hội của địa phương vào các chương trình đào tạo. Do đó chương trình đào tạo thể hiện tính đa dạng và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn địa phương, ngành nghề. Thông qua con đường này các bên liên quan đều được hưởng lợi, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Giáo dục hướng nghiệp ở Hoa Kỳ

Kết hợp giáo dục văn hóa và định hướng nghề nghiệp đang là xu hướng ở bậc học trung học phổ thông Hoa Kỳ. Nhằm giúp học sinh xác định đúng nghề, đội ngũ giáo viên cố vấn sẽ đồng hành cùng học sinh ngay từ đầu năm lớp 11 đến cuối năm lớp 12. Giáo viên cố vấn sẽ không thực hiện giảng dạy các môn học trong chương trình đào tạo mà tập trung lắng nghe, chia sẻ và định hướng giáo dục cho các bạn học sinh. Bên cạnh đó, trường học và giáo viên còn liên hệ với các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức... để thông báo và tạo điều kiện cho học sinh đến tham dự các sự kiện giống như một thành viên chính thức của đơn vị đó. Những định hướng này đã giúp học sinh xác định được hướng đi và có sự chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.

Tương tự như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục hướng nghiệp cho công dân ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Chúng ta hiểu rằng, giải quyết việc làm là một trong những khâu cực kỳ quan giúp ổn định và phát triển kinh tế. Chính vì vậy việc học tập kinh nghiệm về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học sẽ là cơ sở cho việc thực hiện tốt tốt chủ trương phân luồng và hướng nghiệp đã được nêu trong Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị và cũng là tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Bài liên quan
Tránh 'biến tướng' khi hướng nghiệp
Công tác tư vấn, phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 là việc làm thường niên đối với các trường THCS.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh nghiệm và định hướng giáo dục hướng nghiệp