Nền dân chủ tưởng chừng là nền móng vững chắc cho sự ổn định của Thái Lan từ thập niên 1990 bất ngờ lung lay sau nhiều thập niên do xung đột chính trị.
Chính sự bất ổn này đã khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp ngập ngừng đổ thêm tiền vào đây. Ngoài ra, hệ thống luật pháp không ổn định, giới hạn về quyền sở hữu càng khiến dòng vốn nước ngoài chuyển hướng sang những nền kinh tế khác ổn định và phát triển hơn.
Với việc phụ thuộc vào xuất khẩu cũng như FDI, chính sự mất ổn định đã khiến nền kinh tế Thái Lan bộc lộ điểm yếu.
Thêm vào đó, sự chậm trễ đổi mới càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Ví dụ như các hiệp định thương mại tự do, trong khi phần lớn những quốc gia láng giềng đã, hoặc đang đàm phán thỏa thuận mới thì Thái Lan lại bị tụt hậu phía sau vì chính bất ổn chính trị của mình.
Đàm phán hiệp định kinh tế với Châu Âu của Thái Lan mới chỉ được bắt đầu lại vào năm nay kể từ khi bị đình trệ do cuộc đảo chính năm 2014. Xin được nhắc là Việt Nam đã ký kết một hiệp định với Liên minh Châu Âu (EU) từ 4 năm trước.
Tương tự, khi một loạt các nền kinh tế Đông Á chủ chốt đang đàm phán tham gia Hiệp định CPTPP thì Thái Lan cũng đứng ngoài cuộc chơi.
Hãng tin Bloomberg cho hay sự thiếu quyết đoán này đã tạo nên nhiều hệ lụy. Ví dụ như nguồn vốn FDI vào Thái Lan hiện còn chẳng bằng Việt Nam, Malaysia hay Indonesia.
Năm 2021, Thái Lan có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong số các nền kinh tế chính tại Đông Nam Á.
Thế rồi hàng loạt những bê bối gần đây của các tập đoàn lớn càng ảnh hưởng hơn nữa đến cái nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về nền kinh tế Thái Lan.
Thất bại?
Theo Bloomberg, việc Thái Lan thất bại trong công cuộc chuyển mình trong nấc thang chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng quy mô sản xuất cho nền kinh tế đã khiến 1/3 lực lượng lao động của nước này hiện vẫn phải làm trong mảng nông nghiệp, cao hơn so với chỉ 1/4 tại Trung Quốc.
Ngoài ra, sự phụ thuộc quá nhiều vào du lịch khiến nền kinh tế Thái Lan càng chịu tổn thương nặng nề và chưa thể khôi phục lại hoàn toàn vì đại dịch Covid-19.
Khách du lịch ở Thái Lan
Tiếp đó, bóng ma bất ổn chính trị vẫn lơ lửng trên đầu nền kinh tế này khi đã gần 2 tháng kể từ kết quả chiến thắng bầu cử của liên minh dân chủ tại Hạ viện nhưng vẫn chưa có một chính phủ mới được thành lập.
Thậm chí Bloomberg cho hay việc liệu ứng cử viên Thủ tướng Thái Lan mới có khả năng tiếp nhận chuyển giao quyền lực được hay không cũng là một nghi vấn.
Chủ tịch Kriengkrai của Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) nhận định chính điều này lại càng khiến các dự án đầu tư nước ngoài và cả trong nước bị đình trệ để chờ đợi cho đến khi tình hình rõ ràng hơn, qua đó nắm bắt được hướng đi của chính phủ. Đây là một điều chẳng tốt lành gì trong bối cảnh xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục đi xuống.
Tệ hơn, lực lượng dân số Thái Lan cũng đang già đi với 12 triệu người cao tuổi trong số 67 triệu dân. Với một nền kinh tế phụ thuộc sản xuất cho xuất khẩu, cần phải xử lý ngày càng nhiều công nghệ mới và cần có lao động trẻ, học hỏi nhanh thì đây là một tín hiệu không lạc quan.
“Nền kinh tế vi mô từ dưới lên của Thái Lan đã từng tăng trưởng mạnh trong quá khứ, nhưng chúng tôi không còn thấy tinh thần khởi nghiệp như vậy nữa như những gì chúng tôi đang thấy ở Việt Nam và Indonesia”, đối tác sáng lập Manu Bhaskaran của hãng tư vấn Centennial Asia Advisors tại Singapore thừa nhận.
*Nguồn: Bloomberg