Kỷ luật trong trường học được xem như một trong những biện pháp giáo dục học sinh.
Tuy nhiên, hệ thống quy định về kỷ luật trong nhà trường, ban hành từ năm 1988 đã lạc hậu, không theo kịp bối cảnh giáo dục hiện nay.
Để kỷ luật học sinh có sai phạm, nhiều nhà trường đang áp dụng Thông tư 08 năm 1988 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông (Thông tư 08). Theo đó, Thông tư quy định 5 hình thức kỷ luật học sinh gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ; đuổi học một năm.
Nhà giáo Phạm Thu Hà - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, vào thời điểm đó, các quy định này phù hợp, giúp ngăn chặn, không để các hiện tượng sai trái phát triển, giáo dục học sinh phạm sai lầm, giúp các em phấn đấu trở thành học sinh tốt.
Tuy nhiên, trải qua gần 40 năm, nhiều nội dung không còn phù hợp. Nhiều nhà trường và thầy, cô giáo không áp dụng nguyên Thông tư 08 mà có những sáng tạo để giúp việc kỷ luật học sinh trở nên nhẹ nhàng hơn, hướng đến việc kỷ luật tích cực.
Bà Hà chia sẻ, trong 30 năm dạy học, trong đó có nhiều năm làm công tác quản lý giáo dục nhưng chưa lần nào bà phải ký quyết định buộc thôi học đối với học sinh dù có nhiều em vi phạm quy định. Mỗi lần có học sinh vi phạm kỷ luật, các thầy cô giáo, ban giám hiệu đều liên hệ với gia đình để cùng bàn biện pháp giáo dục.
Năm 2011, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư quy định 4 hình thức kỷ luật học sinh, gồm: Phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn. Hiện nhiều nhà trường áp dụng các hình thức kỷ luật theo Thông tư này.
Cô Nguyễn Thị Tuyết - giáo viên Trường THPT Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng, Thông tư 08 có nhiều hình thức kỷ luật không còn phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay. Những hình thức kỷ luật tích cực sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay như: Khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh vi phạm khuyết điểm; phối hợp với gia đình để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh, năng lực, tính cách, khích lệ học sinh nói lên những ước mơ, hoài bão, trên cơ sở đó giúp các em nuôi dưỡng và thực hiện. Nhờ vậy, những thế hệ học trò do cô chủ nhiệm, trực tiếp giảng dạy đều tiến bộ, trưởng thành hơn rõ rệt.
Còn thầy Đỗ Thái Thanh - giáo viên Trường THPT chuyên Bình Long (Bình Phước) cho rằng, mặc dù có nhiều học sinh vi phạm kỷ luật, có hành vi sai trái trên không gian mạng nhưng chưa có quy định để xử lý. Do đó, cần các quy định cụ thể về khen thưởng và xử lý kỷ luật học sinh, sinh viên theo quy định tại Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Bà Đỗ Hồng Thuận - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ nói chung và giáo dục cho học sinh tính kỷ luật, sự kỷ cương trong môi trường học đường nói riêng đang là thách thức lớn đối với nhà trường, gia đình và xã hội.
Xu hướng chung cho thấy, ngày càng nhiều học sinh có biểu hiện bướng bỉnh, hay quậy phá, thiếu tôn trọng thầy cô và người lớn; có hành vi, thái độ không phù hợp với chuẩn mực chung về đạo đức và văn hóa. Đặc biệt, một số em đã xem nhẹ và vi phạm những chuẩn mực văn hóa học đường.
Vấn đề đặt ra là, cách ứng xử và giải quyết của một bộ phận giáo viên và người lớn trong gia đình của những học sinh vi phạm thường áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, tác động lên thân thể học sinh hoặc tác động về tinh thần; thậm chí đưa ra những hình phạt hà khắc để răn đe với mong muốn các em điều chỉnh hành vi và không lặp lại lỗi lầm.
Thời gian qua, giải pháp giáo dục mang tính chiến lược, đang là xu thế chung, được vận dụng phổ biến trong nhà trường hiện đại, đó là “kỷ luật tích cực”. Đây được xem như phương pháp hữu hiệu trong giáo dục học sinh vi phạm nội quy, kỷ luật nhà trường. Phương pháp kỷ luật tích cực tiến bộ được đánh giá cao, mang lại nhiều lợi ích trong giáo dục.
Một số hình thức kỷ luật tích cực được các thầy cô giáo, chuyên gia đề xuất áp dụng như: Nhắc nhở, động viên, phê bình đối với học sinh vi phạm; tư vấn tâm lý, hỗ trợ trực tiếp để học sinh sửa chữa khuyết điểm; yêu cầu học sinh viết kiểm điểm về sự việc đã xảy ra; đọc sách, xem phim tài liệu về bài học về đạo đức, ứng xử văn hóa; lao động công ích; tham gia các hoạt động vì cộng đồng; giao việc cho học sinh mắc khuyết điểm...
Theo đại diện Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), một số quy định tại Thông tư số 08 không còn phù hợp với thực tiễn công tác giáo dục học sinh, các bộ luật mới ban hành thời gian hiện nay. Đặc biệt, quy định về xử lý kỷ luật học sinh hiện nay chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa.
Bên cạnh đó, các quy định về xử lý kỷ luật học sinh chưa tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em 2016. Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà trường thì đây là điểm hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Năm 2016, Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em, trong đó quy định rõ về quyền, nghĩa vụ, bổn phận của trẻ em. Một trong những quyền cơ bản của trẻ em là quyền được học tập. Do vậy, các nhà trường cần hạn chế tối đa việc buộc thôi học đối với học sinh.
Nếu các em vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng, nhà trường chỉ có thể tạm đình chỉ việc học tập trên lớp của học sinh trong thời gian ngắn để phối hợp với gia đình thực hiện các biện pháp giáo dục, giúp đỡ học sinh nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa.
Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để thay thế Thông tư 08 cũng như các nội dung về khen thưởng và kỷ luật học sinh được quy định tại Điều lệ nhà trường, từ đó thực hiện đồng bộ, thuận lợi cho trường học.