Trong thời kỳ của trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và học tập suốt đời, việc trang bị cho học sinh năng lực tự học, tinh thần trách nhiệm và khả năng làm chủ bản thân đã trở thành yêu cầu cốt lõi của mọi nền giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã hoàn thành giai đoạn lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh (6/5 - 5/7), trong đó bãi bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học tập với học sinh vi phạm.
Kỷ luật tự giác không nhằm giới hạn tự do, mà là chiếc la bàn giúp học sinh định hướng hành vi đúng đắn. Giáo dục chỉ thực sự thành công khi học sinh học tập và rèn luyện không phải vì sợ hãi, mà vì hiểu rằng điều đó cần thiết cho sự trưởng thành. Và kỷ luật tự giác, ngay từ bậc tiểu học, chính là khởi đầu của sự hiểu biết ấy.
Theo dự thảo thông tư mới, chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: Nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. Thông tư mới, khi được ban hành, sẽ thay thế Thông tư 08/TT của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông từ cách đây gần 40 năm (1988). Trong bối cảnh này, việc xây dựng cho học sinh kỷ luật tự giác là nền móng vững chắc để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, đúng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong lịch sử giáo dục, kỷ luật luôn được xem là yếu tố không thể thiếu nhằm duy trì trật tự và hiệu quả học tập, rèn luyện của học sinh. Tuy nhiên, quan điểm truyền thống thường đồng nhất kỷ luật với các biện pháp cưỡng chế như phạt, cảnh cáo, đình chỉ, thậm chí loại bỏ khỏi môi trường học đường những học sinh vi phạm nội quy. Cách tiếp cận ấy dần bộc lộ nhiều hạn chế, không chỉ làm tổn thương tinh thần người học mà còn không thúc đẩy được sự thay đổi thực chất từ bên trong.
Ngày nay, khi giáo dục chuyển từ mô hình “truyền đạt - tiếp thu” sang mô hình “đồng hành - phát triển”, khái niệm “kỷ luật tự giác” trở thành hướng đi tất yếu. Thay vì trừng phạt, nhà trường và xã hội cần nuôi dưỡng khả năng tự điều chỉnh hành vi của học sinh, để từ đó kỷ luật trở thành nội lực thúc đẩy sự trưởng thành, chứ không phải áp lực khiến các em thu mình lại.
Kỷ luật tự giác là năng lực tự nhận thức và điều chỉnh hành vi cá nhân dựa trên sự hiểu biết, đồng thuận và cam kết tuân thủ những quy tắc chung. Học sinh có kỷ luật tự giác là người hiểu được đúng - sai, biết kiềm chế hành vi bốc đồng, đặt lợi ích tập thể lên trên cảm xúc nhất thời và duy trì được nề nếp học tập ngay cả khi không có sự giám sát của giáo viên hay phụ huynh.
Khác với kỷ luật cưỡng chế vốn dựa vào yếu tố bên ngoài, kỷ luật tự giác là biểu hiện của sự phát triển nội tâm, thể hiện qua ý chí, lòng tự trọng và tinh thần trung thực, trách nhiệm. Đây chính là nền tảng để học sinh trở thành công dân trưởng thành, sống có nguyên tắc và biết tôn trọng quy chuẩn xã hội.
Trong môi trường học đường, kỷ luật tự giác không chỉ giúp tạo nên một lớp học trật tự mà còn góp phần xây dựng văn hóa học đường tích cực. Khi học sinh tự nguyện tuân thủ nội quy, lớp học sẽ ít có hành vi gây rối, giảm áp lực cho giáo viên, tăng cường tinh thần học tập và tính chủ động của tập thể học sinh.
Hệ quả là kết quả học tập được cải thiện, mối quan hệ bạn bè hòa thuận và môi trường giáo dục trở nên công bằng, lành mạnh. Đồng thời, kỷ luật tự giác còn giúp học sinh phát triển khả năng tự học, tự chủ trong công việc cá nhân và biết chịu trách nhiệm trước những lựa chọn của mình. Những giá trị này vượt khỏi phạm vi học đường, trở thành hành trang cần thiết trong hành trình trở thành công dân có ích cho xã hội.
Kỷ luật tự giác không thể hình thành từ sự áp đặt mà cần được nuôi dưỡng bằng giáo dục thấu hiểu, kiên nhẫn và liên tục. Khi học sinh có khả năng tự điều chỉnh hành vi, nền giáo dục sẽ vượt khỏi chức năng truyền đạt kiến thức, trở thành môi trường nuôi dưỡng con người có bản lĩnh, sống có trách nhiệm và biết yêu thương cộng đồng. Giáo dục hiện đại không tìm kiếm học sinh tuyệt đối vâng lời, mà hướng đến đào tạo những người có năng lực làm chủ chính mình. Khi có kỷ luật tự giác, học sinh sẽ không chỉ học tốt hơn mà còn sống có trách nhiệm, trung thực và kiên cường hơn trong cuộc sống.
Trong bối cảnh hiện đại, khi học sinh không chỉ học trong lớp mà còn qua Internet, mạng xã hội, các nền tảng công nghệ và trí tuệ nhân tạo, kỷ luật tự giác lại càng thiết yếu. Không ai có thể giám sát việc học của các em suốt ngày. Chỉ khi có ý thức nội tại, biết quản lý thời gian, đặt mục tiêu cá nhân và kiên trì theo đuổi, các em mới có thể học tập hiệu quả và phát triển bền vững.
Ở bậc tiểu học, học sinh cần được hình thành các thói quen như đúng giờ, giữ trật tự, hoàn thành bài tập và tuân thủ quy định lớp học. Đây là giai đoạn “gieo hạt” để hình thành ý thức nội tại.
Ở bậc THCS, học sinh bắt đầu lập kế hoạch học tập, tự đánh giá kết quả, tham gia hoạt động nhóm mang tính trách nhiệm, học cách điều chỉnh cảm xúc và hành vi.
Ở bậc THPT, các em cần được trao quyền chủ động hơn như xây dựng mục tiêu dài hạn, thực hiện dự án cá nhân, chịu trách nhiệm về kết quả học tập và hành vi của mình - đó là quá trình biến kỷ luật thành năng lực, tạo nền móng cho công dân tự chủ và học tập suốt đời.
Nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đã chứng minh hiệu quả của việc đề cao kỷ luật tự giác. Tại Nhật Bản, học sinh được giáo dục từ nhỏ để hiểu rằng việc tự lau lớp, phục vụ bữa trưa, xếp hàng trật tự không phải vì sợ hình phạt, mà vì đó là điều đúng đắn. Ở Phần Lan, học sinh không chịu áp lực điểm số, được trao quyền tự chủ để khám phá và tự đánh giá quá trình học tập.
Tại Đức, trẻ em được khuyến khích tự lập từ rất sớm, tự đi học và tự quyết định có trách nhiệm. Tại Singapore, giáo viên áp dụng nhiều phương pháp giáo dục hành vi tích cực như nghệ thuật, hoạt động nhóm để khơi gợi sự thay đổi nội tâm. Ở Mỹ, kỷ luật tự giác được gắn với phát triển cá nhân và thành tựu, song có sự khác biệt giữa các nhóm xã hội và hệ thống giáo dục.
Giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ cũng đặt nặng yếu tố kỷ luật học đường. Ở miền Bắc trước năm 1975, hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa nhấn mạnh tính tập thể, tinh thần “tự phê bình và phê bình”, rèn luyện qua lao động và sinh hoạt đoàn thể nhằm hình thành kỷ luật tự giác gắn với trách nhiệm cộng đồng.
Trong khi đó, miền Nam chịu ảnh hưởng mô hình giáo dục khai phóng phương Tây, học sinh được khuyến khích tự học, tự chủ. Kỷ luật tự giác được xem là biểu hiện của sự trưởng thành.
Từ nhà trường với phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn” đến gia đình, xã hội luôn coi trọng việc “Học chữ để làm người”, trong đó đức tính lễ phép và tự giác là cốt lõi. Những bài học này cho thấy kỷ luật tự giác không thể hình thành bằng đe dọa hay sợ hãi, mà phải được bồi đắp bằng niềm tin, đối thoại và đồng hành.
Tuy nhiên, theo TS Trương Đình Thăng - Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, dù đề cao kỷ luật nội tâm, nhiều quốc gia vẫn duy trì hình thức đình chỉ học trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Tại Nhật Bản, Singapore hay Mỹ, đình chỉ học được áp dụng một cách cẩn trọng, đi kèm tư vấn và hỗ trợ hành vi. Điều này cho thấy, việc loại bỏ hoàn toàn đình chỉ học không phải là tiêu chuẩn duy nhất của một nền giáo dục nhân văn - điều quan trọng là áp dụng minh bạch và đi kèm các biện pháp hỗ trợ đồng bộ.
Hiện nay, nhiều trường vẫn áp dụng các hình thức kỷ luật mang tính răn đe như ghi học bạ, hạ hạnh kiểm, đình chỉ học, gây áp lực tâm lý cho học sinh. Một bộ phận phụ huynh lại can thiệp khi con bị kỷ luật, làm suy yếu tính nhất quán giữa nhà trường và gia đình, khiến học sinh khó hình thành nội lực điều chỉnh hành vi. Để kỷ luật tự giác trở thành thực chất trong trường học, cần có giải pháp đồng bộ và liên tục.
Trước hết, Bộ GD&ĐT cần ban hành thông tư mới kèm theo giải pháp hỗ trợ học sinh, đồng thời thay đổi nhận thức về kỷ luật như một công cụ giáo dục thay vì chế tài. Nhà trường cần tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề về hành vi tích cực và kỹ năng tự kiểm soát. Nội quy học đường cần thiết kế theo hướng “hướng dẫn hành vi” với sự tham gia của học sinh trong xây dựng, minh họa trực quan và cam kết thực hiện. Giáo viên cần thay đổi cách ứng xử với học sinh mắc lỗi, thay vì trừng phạt, hãy phân tích và đồng hành để giúp các em nhận thức và điều chỉnh.
Bên cạnh đó, sử dụng các nền tảng công nghệ như hệ thống học tập trực tuyến, công cụ quản lý thời gian hay nhóm Zalo để phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh là những cách hiện đại để rèn luyện tính tự giác.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm, mô hình lớp học tự quản, câu lạc bộ, lồng ghép nội dung các môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật cũng giúp học sinh rèn luyện trách nhiệm và hình thành kỷ luật tự nhiên.
Cuối cùng, sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh là yếu tố then chốt để thống nhất cách xử lý hành vi sai lệch và xây dựng không gian giáo dục tích cực cả trong và ngoài lớp học.
Thông tư 08/TT1988 ban hành năm 1998 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông đã quy định hình thức kỷ luật nặng nhất đối với học sinh là đuổi học từ 1 tuần lễ đến 1 năm. Những hình thức nhẹ hơn bao gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường.