Khởi nghiệp ở tuổi 50, tưởng là đã muộn nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng (Cao Lộc, Lạng Sơn) đã xây dựng thành công một thương hiệu mắc ca nổi tiếng trên thị trường. Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, ông Hùng đúc kết: “Khởi nghiệp là chọn một con đường làm kinh tế phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh của bản thân. Khó khăn lớn nhất trong hành trình đó là chọn được ý tưởng khả thi trong số các ý tưởng mà các bạn suy tư, ấp ủ.
Từ những trải nghiệm thực tế, tôi nhận ra rằng một trong những điều kiện quyết định sự thành công của ý tưởng là nguồn vốn. Nhiều lúc, tôi đã huy động vốn đầu tư rất khó khăn, phải thế chấp tài sản để vay vốn sản xuất với lãi suất cao nhưng với khát khao làm được việc lớn tôi vẫn phải chấp nhận”.
Từ bài học kinh nghiệm đắt giá, ông Hùng mong rằng Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở một lĩnh vực mới mẻ như trồng và chế biến sản phẩm nông nghiệp “các ý tưởng gia” rất cần được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, để họ an tâm sản xuất, phát triển bền vững.
Còn theo PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội): “Thách thức đối với những người khởi nghiệp nói chung và sinh viên nói riêng chính là họ có lượng kiến thức, thông tin lớn, đa dạng nhưng nhiều khi lại không biết bắt đầu từ đâu. Vấn đề thứ hai là khó khăn về tài chính”.
Phân tích cụ thể hơn, PGS Hương Lan lý giải: “Khi tiến hành dự án khởi nghiệp, nếu không có nguồn vốn “mồi”, các bạn rất khó để thực hiện các công đoạn từ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tâm lý và nhu cầu của khách hàng đến test thử sản phẩm... Đó là còn chưa nói đến công đoạn tiếp theo khi chính thức đưa dự án ra thị trường và các bạn phải đối mặt với một khó khăn nữa thuộc về nội lực, chính là ý chí quyết tâm đi đến cùng, bất chấp những khó khăn trên con đường khởi nghiệp. Nhiều nhóm khởi nghiệp không thể tiếp tục đi đến cùng dự án mình đã xây dựng bởi không đủ ý chí, quyết tâm khi phải đối mặt với khó khăn”.
Do vậy, PGS Hương Lan cho rằng ngay từ khi ngồi trên giảng đường, sinh viên cần phải trang bị cho bản thân nền tảng kiến thức lý luận vững vàng, nên tranh thủ các cơ hội thực tập làm thêm ở doanh nghiệp. Khởi đầu làm việc đừng vội đặt nặng vấn đề thu nhập mà hãy học việc tại doanh nghiệp để có những trải nghiệm thực tiễn.
“Việc khởi nghiệp đối với em cũng giống như việc nuôi dạy một đứa trẻ, quá trình đó phải theo dõi nó phát triển mỗi ngày để cung cấp cho bản thân nguồn động lực làm việc chăm chỉ hơn. Khi bạn nỗ lực mỗi ngày, tất cả sẽ không uổng phí mà giúp bạn cải tiến và phát triển sản phẩm đạt với mục tiêu mà người dùng mong muốn và mang lại giá trị thiết thực hơn”, Trần Bá Trung - Công ty Early Start chia sẻ.